Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, tại cuộc họp hôm 1 Tháng Tư. (Hình: Trí Dũng/Lao Động)
Tại sự kiện diễn ra hôm 1 Tháng Tư, ông Đinh Tiến Dũng, bí thư Thành Ủy Hà Nội, trở thành lãnh đạo duy nhất của Hà Nội trong lúc ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch thành phố này, đang thuộc diện “chờ thi hành án kỷ luật.”
Do đề cập về thì tương lai của Hà Nội trong 23 năm tới, ông Trọng được ghi nhận mạnh miệng nêu một loạt yêu cầu Hà Nội phải “trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, hiện đại, sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.”
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Trọng, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội chỉ cần “tập trung thực hiện hiệu quả nghị quyết ‘Phát Triển Thủ Đô Hà Nội.’”
Cũng tại cuộc họp nêu trên, lãnh đạo Hà Nội cho biết kinh tế của thành phố này “duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6.83% mỗi năm, bằng 1.15 lần mức tăng trưởng chung của cả nước.”
Ngoài ra là đánh giá theo kiểu báo cáo thành tích cho rằng “diện mạo thủ đô có nhiều thay đổi, sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt nhiều kết quả quan trọng.”
Theo một bài đăng trên báo VNExpress hồi Tháng Mười, 2021, Sài Gòn “vẫn tiếp tục đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước, chiếm 25% tổng thu ngân sách các địa phương.”
Ông Đinh Tiến Dũng, bí thư Thành Ủy Hà Nội. (Hình: Trí Dũng/Lao Động) Tuy vậy, thành phố này chỉ được trung ương cho giữ lại “21%” tiền thu ngân sách, trong lúc Hà Nội được “ưu ái” tỉ lệ 32%.
Việc Sài Gòn bị trung ương đối xử bất công so với Hà Nội dù “cống nạp” cho ngân khố nhiều hơn, đã có từ những đời bí thư trước của Sài Gòn.
Hồi Tháng Tư, 2019, báo VNExpress dẫn lời than của ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là bí thư Sài Gòn: “Sài Gòn thu ngân sách nhiều, được giữ lại quá ít.” Theo ông Nhân, đây là sự mất cân đối trầm trọng khiến Sài Gòn “không còn nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng.”
Như vậy, sau ba năm, Sài Gòn mới được nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%. (N.H.K)