Những cách giúp chân tay không bị lạnh cóng

13 tháng 03 năm 2022
Michelle Tran
OAKLAND, California – Vào mùa lạnh, nhiều người hay bị lạnh cóng, tê tay tê chân, dù đã đi vớ hoặc ủ ấm lâu trong mền. Nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm sao để khắc phục?

Nguyên nhân khiến tay chân bị lạnh

Tay chân bị lạnh là do khí huyết không lưu thông. (Hình minh họa: PublicDomainPictures/Pixabay)

Cơ thể tiếp xúc lâu ngoài trời lạnh, chân tay lạnh cóng là bình thường. Ngoài ra còn những nguyên nhân bệnh lý như sau:

Khí huyết không lưu thông là nguyên nhân chính khiến tay chân bị lạnh. Khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, các thành mạch co lại, khí huyết không được lưu thông dễ dàng có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch, do đó không đủ nuôi dưỡng tế bào, đặc biệt ở phần chân và tay. Một khả năng khác là hệ tuần hoàn bị trục trặc dẫn đến quá trình lưu thông máu không tốt.

Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu: Đói, thiếu iodine, ăn kiêng quá khắt khe, không bảo đảm chất dinh dưỡng, thiếu vitamin B12 – vitamin có vai trò quan trọng trong việc hình thành các tế bào máu đỏ dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu hạ thấp làm cho chân tay lạnh và có cảm giác tê buốt như bị kim châm.

Suy giáp: Tuyến giáp là tuyến nhiệt chủ yếu trong cơ thể chúng ta. Khi bị suy giáp, cơ thể sẽ rất mệt mỏi, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm sút và chân tay dễ bị lạnh.

Huyết áp thấp: Những người khỏe mạnh nhưng có huyết áp thấp thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh.

Bệnh về tim mạch: Khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi, khả năng lưu thông máu tới các chi của những người mắc một số bệnh về tim mạch có thể bị giảm.

Cách khắc phục

Cọ xát tay chân: Khi mới tiếp xúc với thời tiết giá lạnh, hãy massage tay chân liên tục để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm, có thể kết hợp xoa bóp cùng một số loại tinh dầu.

Ngâm tay chân nước ấm để tăng cường tuần hoàn máu. (Hình minh họa: 3220633/Pixabay)

Ngâm tay chân nước ấm: Ngâm tay và chân trong nước ấm (40 độ C) có thể cho thêm chút muối và vài lát gừng tươi trong khoảng 20 phút. Trong khi ngâm, có thể kết hợp với massage bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu.

Tập thể dục: Tập thể dục buổi sáng giúp đẩy mạnh quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể. Nhưng vào mùa Đông không nên tập những bài tập quá sức, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cho cơ thể bạn nhanh chóng tỏa nhiệt và nhanh mất nước.

Giữ ấm cho cơ thể: Sử dụng các loại vớ chân, găng tay làm từ cotton và len không chỉ giúp giữ nhiệt mà còn hấp thụ mồ hôi, giữ tay chân được khô ráo.

Cá hồi, trứng, thịt bò, cá mòi… là những thực phẩm hàng đầu có nhiều vitamin B12 giúp bổ máu, tăng chất sắt để cung cấp nhiều năng lượng, sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cho cơ thể. (Hình minh họa: Ready Made/Pexels)

Ăn uống thức ăn giàu chất dinh dưỡng: Bổ sung vitamin B1, B2, F và những thực phẩm có nhiều calorie, chất béo, chất sắt để cung cấp nhiều năng lượng, sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cho cơ thể. Bổ sung multi-vitamin cho cơ thể bằng cách chọn những thực phẩm như sữa, trứng, thịt bò, thịt heo, bơ, các loại hạt và ngũ cốc…

Tránh stress và ngủ đủ giấc: Nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đầy đủ sẽ giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn.

Đối với những người ngồi văn phòng lâu, cần tăng cường hoạt động, tập một số động tác thể dục tại chỗ để tăng cường tuần hoàn máu. (Đơn Dương)

 

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Michelle Tran



Michelle Tran

11-03-2022


Chủ đề