FDA: Đừng tin vào quảng cáo sản phẩm sức khỏe kẻo ‘tiền mất tật mang’ March 8, 2022
08 tháng 03 năm 2022Tony Nguyen
- Sức khỏe 131
Đó là lời của ông Viên Lê, một thanh tra an toàn tiêu dùng của Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA), người có 26 năm kinh nghiệm và đang làm ở văn phòng chi nhánh của FDA ở Irvine, trong một buổi khuyến cáo người tiêu dùng về nhầm tưởng tai hại của các sản phẩm sức khỏe do Hội Ung Thư Việt Mỹ (VACF) tổ chức vào chiều 25 Tháng Hai.
Ông cũng khuyên mọi người nên cẩn thận với những lời quảng cáo: “Một số sản phẩm được quảng cáo là tất cả thành phần đều từ thiên nhiên thì cũng không hẳn như vậy, vì mình thật sự không biết chỗ sản xuất bỏ gì vô trong. Rồi những chỗ quảng cáo là ‘thuốc’ chữa bệnh cấp tốc thì càng không có thật vì thuốc nào cũng cần thời gian.”
“Đừng nên tin vào các lời quảng cáo trước khi tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc của các sản phẩm sức phẩm khỏe này nếu không muốn ‘tiền mất tật mang,’” ông nhấn mạnh.
“Tin quá thì tiền mất tật mang”
Ông Viên lấy ví dụ về tính chất thực sự của các sản phẩm sức khỏe bổ sung chất dinh dưỡng mà nhiều người thường quảng cáo trên mạng xã hội và TV.
“Nhiều người hay gọi là thuốc bổ nhưng đó là nhầm tưởng vì thuốc hay ‘drug’ thì dùng để trị bệnh. Còn các sản phẩm vitamin hay bổ sung chất dinh dưỡng thì không phải là thuốc,” ông cho biết.
“Nếu nghe nói các sản phẩm hay ‘thuốc’ chữa bá bệnh hay ‘phép lạ chữa lành’ thì theo tôi không có đâu. Thậm chí, những lời làm chứng thì cũng không đúng sự thật. Đôi khi giấy chứng nhận phẩm chất cũng là giả để lấy lòng tin của khách hàng,” ông Viên nhấn mạnh.
Ông nói thuốc trị bệnh và dụng cụ y khoa trước khi bán ở thị trường thì phải qua sự chuẩn thuận của FDA. Còn các sản phẩm thực phẩm bổ sung, dược thảo (herbal supplement) phải có “suppletment fact” liệt kê các thành phần dưới sự kiểm soát của FDA để bảo đảm an toàn.
Các sản phẩm này có thể tìm ở nhiều nơi như Walmart, Target…
Thêm vào đó, ông Viên cũng cho biết thêm thực phẩm bổ sung thì không cần qua kiểm định của FDA.
“Thuốc thì thường phải có toa của bác sĩ. Còn nếu thuốc ‘over-the-counter’ tức OTC mà không cần đơn bác sĩ như Advil, Tylenol… thì có bán ở các quầy trước tiệm thuốc tây,” ông giải thích.
Ông Viên cũng nêu vấn đề mà FDA lo ngại rằng nhiều sản phẩm “không thật sự tốt” như quảng cáo được bán tràn lan trên Internet.
Ông tiếp: “FDA quan tâm vấn đề này vì các chất ở trong sản phẩm làm gián tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe như gan và thận. Thậm chí nhiều chỗ giảm bớt dược chất dẫn đến giảm phẩm chất.”
Vị nhân viên lâu năm của FDA cũng lưu ý nhiều sản phẩm quảng cáo trị bệnh nhưng không cần qua đơn bác sĩ hay giám định của FDA thì đáng lo ngại, nên mọi người cần cẩn thận.
“Nhiều thuốc để tiếng nước ngoài thì cũng không đúng luật vì nếu đã là thuốc nhập qua Mỹ thì phải để tiếng Anh,” ông nói.
Thêm vào đó, ông đề cập ra nếu phát hiện các quảng cáo sản phẩm gian dối thì người dân cũng có quyền thiếu nại và FDA sẽ dựa vào đó để điều tra.
Kiểm tra phẩm chất sản phẩm rất quan trọng
Không chỉ các loại thuốc, dụng cụ y tế, sản phẩm sức khỏe, mà thực phẩm cũng phải qua giám định của FDA.
“FDA cũng kiểm tra sát sao đồ hộp nên mọi người yên tâm,” ông Viên cho hay.
Ông cho biết thêm rằng đối với thực phẩm thì nên kiểm tra cẩn thận trước khi dùng để tránh việc thực phẩm bị hư, mốc, và hôi thối. Trước khi ăn đồ hộp thì nên kiểm tra xem hộp có bị móp hay không, hoặc khi mở nắp, hộp có bị hôi hay bị nấm không.
Thêm vào đó, thuốc viên cũng có trường hợp bị mốc mặc dù chưa hết hạn sử dụng. Nếu thuốc hư trước khi đến thời hạn ghi trên bao bì hay uống vô ảnh hưởng đến sức khỏe thì người dân có thể thiếu nại nhà sản xuất và FDA.
Ông cũng cho hay, thuốc viên phải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt như thử nghiệm lâm sàng để được FDA chuẩn thuận, nên sẽ ít có trường hợp nêu trên.
Sau đó, ông Viên cũng trả lời một số thắc mắc của người tham dự.
“‘Fucoidan’ có trị ung thư?,” một khán giả hỏi.
“Quý vị mua ‘Fucoidan’ không cần đơn bác sĩ thì không phải thuốc thì đương nhiên không chữa bệnh được. Nên nhớ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng thì không chữa bệnh,” ông Viên giải thích.
Ông cho thêm ví dụ: “Nếu quý vị nghe một loại sản phẩm hay ‘thuốc’ mà chữa được bá bệnh như tiểu đường, cholesterol, mỡ trong máu… thì không ổn rồi, vì nhiều chỗ chỉ bỏ nhãn hiệu và quảng cáo để lấy lòng tin.”
Ông cũng nói thêm về các loại vitamin phổ biến, đặc biệt là vitamin C được nhiều người nói uống để có sức đề kháng.
“Theo tôi nghe thì vitamin C có kháng sinh giúp kháng bệnh, nhưng tôi đề nghị quý vị đọc kỹ liều lượng kỹ càng vì một số chất uống nhiều quá sẽ không tốt, tiêu thụ một chất nhiều quá thì sẽ thành chất độc. Cho nên, quý vị nên tuân thủ theo liều lượng của nhãn hiệu,” ông Viên chia sẻ.
Người tiêu dùng nên làm gì để tránh bị lừa
Ông Viên Lê khuyên: “Tôi cũng khuyên quý vị là nên tìm hiểu kỹ các loại sản phẩm sức khỏe, nếu các sản phẩm này vượt qua ranh giới quảng cáo mà nói điều trị bệnh thì là phạm luật và lừa bịp.”
Ông dẫn giải thêm rằng thuốc “over-the-counter” thì có bảng dược chất (drug fact) và phải có chỉ dẫn và liều dùng. Còn thuốc trị bệnh như ung thư, tiểu đường, bệnh tim… thì phải có đơn của bác sĩ.
Trường hợp các loại thuốc được chuẩn thuận ở nước ngoài thì không có ý nghĩa gì vì qua Mỹ phải được kiểm nghiệm của FDA, nếu không có là không hợp pháp.
Nếu thuốc hay sản phẩm sức khỏe sản xuất ở nước ngoài mà muốn nhập qua các nước khác thì phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu muốn nhập sản phẩm qua Mỹ thì bắt buộc phải có sự giám định của FDA.
Ông Viên cũng cho biết nhân viên FDA cũng thường qua các nước khác để kiểm tra phẩm chất sản phẩm.
Một số người cũng hỏi về liệu các sản phẩm hết hạn mà bán rẻ thì có nên mua hay không.
“Nhà sản xuất ghi nhãn hiệu thời hạn là họ đã thử nghiệm và bảo đảm với FDA, nếu quá hạn thì các chất đó không còn hiệu quả như quảng cáo,” ông trả lời.
Cuối buổi hội thảo, ông nhấn mạnh: “Nếu quý vị thắc mắc về thuốc, sản phẩm dinh dưỡng hay thực phẩm bổ sung thì nên hỏi dược sĩ và bác sĩ vì các lời quảng cáo chưa chắc đã đúng sự thật.” [qd]