Dân nghèo ở Quảng Ngãi khốn đốn với chi phí mai táng người thân chết do COVID-19
09 tháng 03 năm 2022Michael Nguyen
- Đời sống 184
Nhân viên bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi bị nghi mốc nối với các dịch vụ mai táng về các trường hợp chết do COVID-19 để “ăn hoa hồng.” (Hình: Quốc Triều/Dân Trí)
Do tang lễ của người chết vì COVID-19 phải tuân thủ theo quy định phòng dịch của chính phủ, nên gia đình khá bối rối. Đúng lúc đó, anh L. được giới thiệu một cơ sở lo tang lễ trọn gói với chi phí 28 triệu đồng ($1,226). Tuy mức giá cơ sở dịch vụ mai táng “hét” quá cao, nhưng gia đình buộc phải đồng ý.
“Thi thể cha tôi đã được bệnh viện đưa vào túi chuyên dụng rồi khử khuẩn. Dịch vụ mai táng chỉ việc mang một quan tài loại thường đến rồi làm lễ nhập quan. Sau đó, họ đưa lên chiếc xe tải nhỏ chở ra nghĩa trang chỉ khoảng 7 km, nơi gia đình đã chuẩn bị sẵn huyệt mộ. Chỉ vậy thôi mà họ lấy giá cao quá,” anh L. nói.
Tương tự, khoảng giữa Tháng Hai vừa qua, bà T. ở huyện Tư Nghĩa, cũng rơi vào tình cảnh bị dịch vụ tang lễ “hét” giá mai táng khi chồng bà qua đời vì COVID-19.
Theo bà T., chồng bà vừa mất là có người chủ động liên lạc giới thiệu dịch vụ tang lễ. Với một chiếc quan tài, xe vận chuyển về nơi chôn cất cách bệnh viện khoảng 10 km, dịch vụ tang lễ ra giá 35 triệu đồng ($1,532).
“Gia đình có chuyện buồn, lại liên quan đến dịch bệnh nên họ nói sao mình cũng phải nghe. Chỉ có một chiếc quan tài với xe đưa về rất gần, mà họ lấy giá đó nhưng đành phải chấp nhận. Không đồng ý với họ thì làm sao đưa thi thể về mà mai táng?” bà T. cho biết.
Theo báo Dân Trí, trong nhiều trường hợp, mỗi gia đình bị dịch vụ mai táng “hét” một mức giá khác nhau. Song, chi phí thấp nhất cũng ở mức 21 triệu đồng ($919).
Riêng những gia đình có nhu cầu đưa thi thể người thân ra Đà Nẵng hỏa táng, sẽ phải bỏ ra khoảng tiền từ gấp đôi, gấp ba. Tiền sẽ được yêu cầu chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của chủ cơ sở mai táng mà không có bất cứ một loại hóa đơn, chứng từ nào.
Biết ý định của gia đình chị G. muốn đưa thi thể người thân ra thành phố Đà Nẵng hỏa táng, một nhân viên y tế liền giới thiệu cho chị G. một dịch vụ “lo trọn gói.”
“Họ bảo phải trả 70 triệu đồng ($3,065), chúng tôi năn nỉ mãi họ mới giảm được 10 triệu đồng ($437). Họ chở đến nơi là phải chuyển tiền ngay. Lúc đó gia đình tôi phải chạy vạy mượn thêm mới đủ trả cho họ,” chị G. ở huyện Sơn Hà, cho biết về việc an táng mẹ mình đã mất vì COVID-19.
“Số tiền 60 triệu đồng ($2,627) là quá lớn, nhưng lúc đó cả gia đình đang rối bời nên phải chấp nhận. Nếu từ chối họ thì chúng tôi cũng chẳng biết làm sao. Mẹ tôi mất vì dịch COVID-19 nên gia đình phải nghe theo họ,” chị G. nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, hôm 9 Tháng Ba, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Lê Báy, phó giám đốc Sở Y Tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sở chưa nhận báo cáo và “bất ngờ” với thông tin gia đình có thân nhân tử vong vì COVID-19 bị các cơ sở dịch vụ tang lễ “chặt chém.”
Sở đã yêu cầu bệnh viện Lao và Bệnh Phổi phúc trình sự việc, đồng thời giao cho Thanh Tra Sở làm rõ thông tin.
Theo ông Báy, việc để gia đình bệnh nhân tử vong do COVID-19 tự thoả thuận với cơ sở mai táng lo hậu sự cho người nhà là “sai quy định.”
Trong khi đó ông Cao Phúc, phó giám đốc phụ trách bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, xác nhận sự việc này có xảy ra.
“Hôm đó, công an có xuống làm việc nhưng đến giờ họ cũng chưa gửi văn bản cho tôi nên chưa rõ kết quả,” ông Phúc nói.
Ông Phúc khẳng định: “Bệnh viện không liên quan đến việc này, cũng không biết có bao nhiêu dịch vụ làm cái này. Mới đây chúng tôi cũng nghe thông tin giá dịch vụ này quá cao. Cái này mà người dân liên hệ với bệnh viện thì chỉ tốn tiền khâm liệm, còn tiền xe đưa về không bao nhiêu,” ông Phúc nói.
Cũng theo ông Cao Phúc, hồi năm 2021, bệnh viện đã kiến nghị ngành hữu trách sửa chữa nhà đại thể, xe chuyên dụng, thành lập đội xử lý, vận chuyển người tử vong do COVID-19 để bảo đảm an toàn, giảm chi phí cho thân nhân, nhưng đến nay chưa được giải quyết. (Tr.N)