Bây giờ là thời điểm của tiếng Ukraine

08 tháng 03 năm 2022
Tony Nguyen
KIEV, Ukraine – Bây giờ là thời điểm của tiếng Ukraine. Nghe ngôn ngữ này, tổng thống Nga tưởng như là những phát đạn đang bắn vào những người nói tiếng Nga.
Tiếng Ukraine càng ngày càng nghe nói nhiều trên đường phố ở những thành trì nói tiếng Nga như ở thủ đô Kiev hay thành phố Kharkiv ở miền Đông. (Hình minh họa: Mediamodifier/Pixabay)

Chiến tranh hay không chiến tranh, nói với The Washington Post, anh Andrii Shymanovskiy vẫn tin rằng anh đang có một trong những thứ vũ khí mạnh nhất để chống lại Moscow: ngôn ngữ Ukraine.

Cách đây mới một năm thôi, diễn viên kiêm giáo viên dạy tiếng Ukraine 23 tuổi, cư ngụ tại thành phố Lviv bắt đầu đưa lên TikTok những đoạn video trình bày các sắc thái khác nhau về ngôn ngữ mẹ đẻ của anh, từng là thứ tiếng hạng hai đối với tiếng Nga trong đời sống thường nhật ở Ukraine, nhưng đang không ngừng trở thành trọng tâm của các nỗ lực nhằm làm nổi bật bản sắc và văn hóa riêng biệt của nước Ukraine.

Các đoạn phim này thu hút hàng triệu lượt người xem, qua phong cách phóng khoáng và tiết tấu vui nhộn về đời sống ở Ukraine. Tuy vậy, những đoạn phim này cũng động chạm đến các vấn đề phức tạp chính yếu trong tiến trình tranh đấu với nước Nga cũng như ngay ở trong nước.

Ngôn ngữ là sự kết nối giữa những dòng giao thoa của văn hóa và chính trị ở Ukraine. Đối với một số người, tiếng Ukraine là nguồn cội của bản sắc quốc gia và như thế phải thống trị tất cả những sinh hoạt công cộng. Nhiều người khác lại cho rằng tinh túy của Ukraine một phần nằm ở sự pha trộn nhiều ngôn ngữ: Ukraine, Nga và một số thứ tiếng khác.

Moscow, dù thế, từ lâu vẫn lợi dụng vấn đề ngôn ngữ để dán nhãn cho chính quyền Kiev là những kẻ “phát xít” đề cao chủng tộc, áp chế thành phần nói tiếng Nga ở Ukraine. Quan điểm này gặp phải sự phản đối tại Ukraine, kể cả ở nhiều vùng nói tiếng Nga. Đã vậy, một bộ luật trong nước nhắm vào việc tăng cường sử dụng rộng rãi tiếng Ukraine đã cho phía Nga thêm cái cớ đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền của mình.

Trong lúc đó, tiếng Ukraine càng ngày càng nghe nói nhiều trên đường phố ở những thành trì nói tiếng Nga như ở thủ đô Kiev hay thành phố Kharkiv ở miền Đông. “Tôi cho rằng hiện thời, vũ khí duy nhất mà tôi có được chính là ngôn ngữ,” anh Shymanovskiy nói. “Ít nhất tôi cũng đóng góp một phần vào việc giữ gìn bản sắc của chúng tôi, của dân tộc tôi.”

Anh Shymanovskiy miêu tả công việc của mình là nhằm chống lại sự thống trị của Nga trong nhiều thế kỷ ở Ukraine. Trong suốt thời gian đó, tiếng Ukraine bị ức chế hoặc bị đẩy ra bên lề. Vậy mà ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, lại bảo sự thật là ngược lại, rằng chính tiếng Nga mới là ngôn ngữ bị đàn áp và những người nói tiếng Nga là những kẻ bên lề xã hội. Trên thực tế, tiếng Nga không hề bị đe dọa chút nào. Người nói tiếng Nga vẫn chiếm đa số, và ngôn ngữ Nga vẫn tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng.

Nhưng Moscow vẫn dùng những cáo buộc về việc bao vây ngôn ngữ làm trọng tâm để biện hộ cho việc sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, nơi đa số dân cư nói tiếng Nga.

Đó cũng là cơ sở cho giọng điệu của Điện Kremlin từ lúc bắt đầu cuộc tranh chấp giữa lực lượng phiến quân do Nga ủng hộ và quân đội của Ukraine ở miền Đông, vốn kéo dài từ tám năm nay và đã làm gần 14,000 người thiệt mạng.

Trong mấy tháng gần đây, nhiều viên chức Nga lại tiếp tục kèn cựa với các chính sách ngôn ngữ của Ukraine. “Rõ ràng là họ đang xô đẩy người Nga, xô đẩy những người nói tiếng Nga ra khỏi các vùng có tính cách lịch sử của họ,” ông Putin phát biểu như vậy trong cuộc họp báo thường niên vào Tháng Mười Hai, 2021, ở Moscow.

Điểm chính trong những phê phán của Nga là tuyên bố rằng tất cả những người nói tiếng Nga phải thuộc về một “thế giới nói tiếng Nga,” trong đó tiếng Nga cùng tồn tại với các ngôn ngữ, các nền văn hóa và lịch sử khác, và phải được Moscow bảo vệ. Năm ngoái, ông Putin còn viết trong một bài khảo luận khá dài, cho rằng người Nga và người Ukraine thuộc về cùng “một quốc gia.”

Tuy vậy, ở Ukraine, thống kê về người sử dụng ngôn ngữ dường như không đứng về phe Nga. Rất nhiều người trong giới trẻ – không hề có ký ức gì về Liên Bang Xô Viết và ngả hẳn về cuộc cách mạng Tây Âu hóa vào năm 2014 ở Ukraine – đang chuyển sang dùng tiếng Ukraine là chính.

Nhiều câu lạc bộ nổi tiếng và những khu phố thời thượng có truyền thống nói tiếng Nga ở thủ đô Kiev, nơi nhiều khách hàng mang hình xăm ngồi uống bia hơi, giờ đây là những nơi dành cho người nói tiếng Ukraine. Khi có ai đó cố tình dùng tiếng Nga, họ thường bị người khác nhìn một cách khó chịu, thậm chí còn bị nhắc nhở thẳng là đừng “dùng ngôn ngữ của kẻ chiếm đóng.”

Anh Shymanovskiy là một trong những người đầu tiên trong một phong trào đang trỗi dậy của các thanh niên độ tuổi 20, dùng tiếng Ukraine trên mạng xã hội để ủng hộ ngôn ngữ này. Băng tần TikTok của anh, trái ngược với nỗi lo âu càng ngày càng tăng trong nước về một cuộc xâm lược đang lởn vởn đe dọa, tránh hẳn đề tài chiến tranh.

Thay vào đó, anh thường đội một bộ tóc giả màu hồng, hát, rap và tặng hoa cho những người đang nói tiếng Ukraine. “Hiện giờ ở Ukraine có nhiều tin tức tiêu cực hơn là tích cực,” anh nói. “Tôi không muốn làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

Luận điệu của Moscow cho rằng người nói tiếng Nga ở Ukraine đang bị kỳ thị tạo nên một ấn tượng sai lầm về thực tế ngôn ngữ phức tạp ở đây.  Nhiều khảo sát cho thấy khoảng một nửa dân số dùng tiếng Ukraine là chính trong gia đình và độ 30% dùng tiếng Nga là chính ở nhà. Phần còn lại sử dụng cả hai ngôn ngữ hoặc một số thứ tiếng khác như Hungary, Romania và tiếng Tatar của vùng Crimea. Tuy vậy, khó mà có được dữ kiện chính xác.

Tiếng Ukraine và tiếng Nga có một mối liên hệ mật thiết với nhau, có từ vựng chung khá nhiều, nhưng vẫn là hai ngôn ngữ khác biệt. (Hình minh họa: Mediamodifier/Pixabay)

Trong sinh hoạt hằng ngày, đa số dân Ukraine dùng hai thứ tiếng. Ngôn ngữ không nhất thiết xác định khuynh hướng chính trị của người nói: Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, người đang đối đầu với ông Putin, là người dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ.

Tại một buổi huấn luyện ở Kiev cho một trong những tiểu đoàn tình nguyện để chuẩn bị bảo vệ các thành phố ở Ukraine trong trường hợp bị Nga tấn công, cuộc nói chuyện giữa những người lính dự bị này là một sự pha trộn giữa tiếng Ukraine và tiếng Nga. Có người còn từ tiếng ngày đổi qua tiếng kia ở ngay giữa câu nói của mình.

Địa lý cũng không làm cho vấn đề trở nên giản dị chút nào.‎ Nói rằng miền Đông Ukraine phần lớn là nói tiếng Nga, còn phần phía Tây đa số nói tiếng Ukraine là một sự đơn giản hóa quá mức. Phần đông các vùng thôn quê trong nước nói tiếng Ukraine hoặc nói một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Ukraine ‎và tiếng Nga, gọi là tiếng Surzhyk.

Tiếng Nga và tiếng Ukraine có một mối liên hệ mật thiết với nhau, có từ vựng chung khá nhiều, nhưng vẫn là hai ngôn ngữ khác biệt. Người nói tiếng Nga có thể thấy tiếng Ukraine khó hiểu hay ngược lại.

Dù vậy, tiếng Nga vẫn ngự trị trong nhiều lãnh vực văn hóa và truyền thông ở Ukraine, mặc cho tiếng Ukraine đã được ấn định là “ngôn ngữ chính thức” duy nhất của nước này.

Một đạo luật về ngôn ngữ, được người tiền nhiệm của ông Zelensky là ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống, thông qua, nhằm đem lại cho ngôn ngữ Ukraine vai trò chính trong việc giao tiếp trong thương mại, giáo dục và truyền thông.

Chẳng hạn như nhân viên trong ngành phục vụ kỹ nghệ phải nói với khách hàng bằng tiếng Ukraine, trừ khi họ yêu cầu rõ ràng là muốn dùng tiếng Nga. Các đài truyền hình phải trình chiếu phim điện ảnh và truyền hình bằng tiếng Ukraine. Đạo luật này có hiệu lực vào năm 2019 và dự định được thực thi qua từng giai đoạn, nhưng những người có thẩm quyền được chọn lựa những phần nào họ muốn thi hành trước.

Đạo luật đó trở thành một mục tiêu cho các viên chức Nga. Họ cho đó chính là chứng cớ về sự ngược đãi của Kiev đối với cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga. Ủy Ban Venice của Hội Đồng Âu Châu và một số định chế giám sát như Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền cũng đã chỉ trích một số điểm trong đạo luật này. “Một cuộc chiến tranh công khai đã được tuyên bố để chống lại tiếng Nga và nền giáo dục bằng ngôn ngữ này,” ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, nói như thế vào Tháng Chín.

Anh Shymanovskiy ủng hộ đạo luật này, cho rằng Điện Kremlin lúc nào cũng “tìm ra lý do để tuyên truyền” cho dù người Ukraine có làm gì đi nữa. Anh tin tưởng rằng đạo luật sẽ giúp cả nước đoàn kết với nhau.

Cuộc chiến đang diễn ra ở Đông Ukraine – một vùng tập trung đông đảo những người nói tiếng Nga – đã chứng minh cho quan điểm của anh Shymanovskiy, anh khẳng định như vậy. “Bất cứ ở đâu tiếng Ukraine không có mặt, chiến tranh sẽ tìm đến,” anh kết luận. [qd]

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Tony Nguyen



Tony Nguyen

23-02-2022


Chủ đề