Phim nào sẽ được vinh danh tại Oscars 2022?
07 tháng 03 năm 2022Tony Nguyen
- Giải trí 120
Cuộc xung đột giữa hai băng đảng “máu mặt” ở New York được đạo diễn Steven Spielberg kể lại qua hình ảnh vũ đạo đặc sắc, âm nhạc thăng hoa trong “West Side Story.” (Hình: themoviedb.org)
Cùng điểm qua năm trong số 10 bộ phim được đề cử năm nay và quý khán giả hãy dự đoán xem, năm nay tác phẩm nào sẽ là chủ nhân của tượng vàng danh giá.
West Side Story
Rất hiếm khi các tác phẩm thuộc thể loại nhạc kịch được nằm trong đề cử “Best Picture” và đoạt giải nhưng nhiều khán giả đặt niềm tin rằng “West Side Story” có thể thay đổi lịch sử năm nay.
Bộ phim của đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg ra mắt công chúng hồi Tháng Mười Một, 2021, mang lại một bữa tiệc thị giác rực rỡ, cộng với phần âm nhạc được đầu tư nghiêm túc, hoàn mỹ và để lại dấu ấn lớn. Đây cũng là tác phẩm thuộc thể loại nhạc kịch đầu tiên của ông trong sự nghiệp phim ảnh đồ sộ với hàng loạt các bộ phim “bom tấn” và kinh điển như “Jaws,” “Jurassic Park” hay “Indiana Jones.”
“West Side Story” lấy bối cảnh ở thành phố New York nhộn nhịp trong những năm thập niên 1950, kể về cuộc đối đầu giữa hai băng đảng Jets và Sharks với xung đột từ việc phân biệt chủng tộc nhức nhối trong xã hội ở cộng đồng da trắng và cộng đồng người nhập cư gốc Puerto Rico.
Trớ trêu thay, em gái của người cầm đầu Sharks là Maria lại đem lòng yêu thương với Tony, thành viên cộm cán của Jets. Những tưởng tình yêu có thể xóa bỏ được thù hận, xung đột và làm lại cuộc đời nhưng những mâu thuẫn sâu sắc khắc sâu trong tận tâm can đã đem lại sự chia ly, để lại những nỗi khổ tâm cho người ở lại.
“West Side Story” của đạo diễn Steven Spielberg được xem là phiên bản của “Romeo and Juliet” tân thời, đem lại cho người xem những cảm xúc bồi hồi, rung động và tiếc nuối cho một chuyện tình ngắn ngủi, thương nhớ và đau thương qua những hình ảnh màu sắc và âm nhạc.
Không chỉ nằm trong danh sách đề cử “Bộ Phim Xuất Sắc Nhất,” “West Side Story” còn có đề cử ở 10 hạng mục tại Oscars 2022.
The Power of the Dog
Tác phẩm “The Power of the Dog” đánh dấu sự trở lại của cô Jane Campion, nữ đạo diễn người New Zealand, sau khi đoạt Oscars năm 1993 với bộ phim “The Piano,” dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Savage, lấy bối cảnh Hoa Kỳ miền núi Montana hùng vĩ và cuộc đời bình lặng bên ngoài nhưng đầy sóng gió bên trong tâm hồn của những người chăn bò tại đây.
Thông qua gia đình anh em chăn bò Burbank với người em George ít nói, hiền lành, mập mạp, luôn mặc âu phục (do tài tử Jesse Plemons đóng,) trái ngược với người anh Phil gầy gò, thâm độc, bụi bặm với bộ đồ cao bồi (do tài tử Benedict Cumberbatch thủ vai), bộ phim đánh bật lên những vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ khi xưa, khi mà người đồng tính luôn bị mặc cảm vì sự khác biệt của mình, phải giấu mình trong lớp sĩ diện đầy mạnh mẽ, phong trần của người cao bồi.
Ngoài ra, tác phẩm đó còn đề cập đến những vấn đề bạo hành trong gia đình với hình ảnh nhân vật Rose (do minh tinh Kristen Dunst thể hiện) luôn chịu đắng nuốt cay trước những trận đòn roi từ các gã đàn ông và sự nam tính độc hại lẫn trong tính cách của Phil sẽ khiến người xem khiếp sợ, nhưng đồng thời cũng có cái nhìn đồng cảm cho cách cư xử, thái độ và hành động của nhân vật.
“The Power of the Dog” không phải là một bộ phim giải trí dễ coi, thậm chí nó còn có thể đem lại chút ngột ngạt, tù túng, nặng nề cho người xem nhưng ẩn chứa đằng sau những thước phim quay chậm và cận mặt đó làm bật lên tính cách nhân vật mà phải tinh tế lắm mới nhận ra.
Phim do hãng Netflix đầu tư và phát hành, hiện đang là cái tên đứng đầu mà các nhà phê bình dự đoán sẽ cầm tượng vàng Oscars năm nay.
Licorice Pizza
Một Hollywood trong thập niên 1970 hiện lên đầy chân thật với những những bảng hiệu đèn neon rực rỡ từ các cửa hàng băng đĩa đặc trưng thời đó, mà đại diện chính là thương hiệu “Licorice Pizza,” nơi hội họp và gặp gỡ của thanh thiếu niên thời đó, trong bộ phim cùng tên của hãng MGM.
“Licorice Pizza” do đạo diễn Paul Thomas Anderson thực hiện và viết kịch bản, kể về câu chuyện của những thanh thiếu niên trên con đường theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh ở chốn Hollywood hào quang tại thung lũng San Fernando năm 1973.
Cuộc tình của đôi trẻ Gary (do nam diễn viên Cooper Hoffman thủ vai) và Alana (do nữ diễn viên Alana Haim đóng) sẽ làm khán giả gợi nhớ lại những rung động đầu đời; những hoài bão, ước mơ; những vấp ngã, sai lầm mà mình mắc phải và những trải nghiệm thời thanh xuân mà đời người chỉ có một lần trải qua.
So với những bộ phim tranh cử khác, nội dung của “Licorice Pizza” có lẽ đơn giản và dễ đoán hơn, nhưng không vì thế mà người xem cảm thấy chán mà ngược lại còn bị cuốn hút lúc nào mà không hay biết.
CODA
“CODA” là viết tắt của “Child of Deaf Adults,” để nói về những người con sinh trưởng trong gia đình có cha mẹ là người khiếm thính, và là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Sian Heder tạo ra bộ phim đặc biệt có dàn diễn viên thật sự câm điếc thủ vai chính.
Bộ phim nói về cô bé 17 tuổi Ruby Rossi có cha mẹ và anh trai bị điếc bẩm sinh. Cô là người giao tiếp chính cho gia đình với thế giới bên ngoài, từ việc đại diện trả giá với thương lái cho nghề đánh bắt cá của cả nhà, cho đến việc nói chuyện với những người không thể hiểu ngôn ngữ của người khiếm thính.
Với năng khiếu ca hát bẩm sinh, Ruby được chọn thầy cô đề nghị vào học tại trường Berklee, nơi đào tạo những con người yêu nghệ thuật. Nhưng việc này cũng đồng nghĩa với việc Ruby phải dọn sang tiểu bang khác, xa rời khỏi gia đình khi chính bản thân là người duy nhất giúp gia đình kết nối với xung quanh.
Có thể trong gia đình nhà Rossi, mọi người có thể không nghe được giọng nói của nhau, nhưng tình thương mà cả nhà dành cho nhau chưa bao giờ phai nhạt; nó được thể hiện qua những cử chỉ, ánh mắt chứa chan đầy quan tâm và động viên.
Đặc biệt, với sự tham gia của dàn diễn viên khiếm thính, “CODA” không chỉ lột tả đầy sâu sắc, chân thật và rõ nét về thế giới của người điếc, mà còn mang lại ý nghĩa cho nền điện ảnh Hollywood khi tạo ra sự đa dạng, không phân biệt những người khuyết tật và luôn đem lại cơ hội cho tất cả mọi người.
Belfast
Trong số 10 bộ phim tranh giải năm nay, “Belfast” là bộ phim trắng đen duy nhất được thể hiện dưới lăng kính góc nhìn của cậu bé Buddy khi gia đình mình bị lôi vào cuộc chiến dai dẳng giữa hai phe The Protestants và Catholics.
Vùng đất Belfast ở phía Bắc Ireland trong những năm cuối thập niên 1960 được đạo diễn Kenneth Branagh khắc họa một cách đầy tinh tế, ấm áp và chan hòa tình thương mặc cho thế sự xung quanh đang chật chờ ập tới cướp đi sự bình yên do nội chiến sắp xảy ra.
Ông từng chia sẻ với truyền thông rằng “Belfast” dựa trên chính những ký ức thời thơ ấu của ông, gắn liền với những giây phút bên gia đình, và tác phẩm này dành tặng cho tất cả những ai từng sinh sống ở Belfast; cho những người ở lại, cho những người rời đi và cho cả những người đã mất.
Xem phim, khán giả sẽ cảm nhận được tình thương gia đình vô giá và bao la đến nhường nào, cộng với những chiêm nghiệm trong cuộc đời được truyền tải một cách đầy chân thật, thấm thía và sâu sắc.
“Belfast” đã thắng giải “Peole’s Choice” danh giá nhất tại Đại Hội Điện Ảnh Toronto lần thứ 46 hồi Tháng Mười, 2021, khiến cho cuộc đua Oscars càng thêm căng thẳng và bất ngờ hơn vào ngày 27 Tháng Ba tới đây.
Ngoài “Best Picuture,” bộ phim còn nằm trong danh sách đề cử hạng mục “Best Cimematoghaphy,” “Best Original Screnplay” và “Best Sound.” (Nhất Anh)