Nông dân sắm drone phun thuốc thuê ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
05 tháng 03 năm 2022Tony Nguyen
- Khoa học 154
AN GIANG, Việt Nam – Hiện nay đang có nhiều nông dân ở Việt Nam sắm drone phun thuốc trừ sâu bọ thuê ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, theo bản tin của VNExpress hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Ba.
Một trong những người này là ông Nguyễn Thọ Trường ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông đầu tư 600 triệu đồng ($26,200) sắm máy bay phun thuốc thuê. Sau bốn tháng ông Trường có lời, đủ tiền sắm chiếc thứ hai.
Ông Nguyễn Thọ Trường với máy drone. (Hình: Ngọc Tài/VNExpress)
Cuối Tháng Hai, trong lúc thăm thửa ruộng đang trổ bông, ông Trường liên tục nhận cuộc gọi đặt lịch phun thuốc. Người nông dân 57 tuổi lên lịch bay, gom những thửa ruộng cùng tuyến đường, gọi người lái drone thông báo lịch trình ngày mai.
Theo VNExpress, ông Trường mê máy bay phun thuốc khi chúng được trình diễn trên đồng khoảng năm năm trước. Tuy nhiên, ông không mua liền mà dành thời gian nghiên cứu. Ông nhẩm tính trung bình một vụ nông dân phun thuốc 8 tới 10 lần, gấp nhiều lần so với dùng máy đập liên hợp. Tháng Tám năm ngoái, nhận thấy nhu cầu của nông dân tăng cao, ông sắm máy đầu tiên, vừa phun dịch vụ vừa dùng cho 12 hécta đất nhà.
Mỗi drone có giá giao động 400 đến 700 triệu đồng ($17,500 đến $30,600), nặng chừng 20 kg, chưa tính dung dịch thuốc bảo vệ thực vật. Đồ nghề của người phun thuốc thuê còn có điện thoại thông minh kết nối bộ điều khiển, can pha thuốc, lưới lọc, hệ thống sạc pin, 2-4 cục pin… Trung bình 1 hécta lúa phun mất 7 phút, khoảng ba bình thuốc sẽ thay pin một lần. Mỗi ngày một drone phun từ 30 đến 70 hécta tùy vào khoảng cách giữa các thửa ruộng cần phun thuốc.
Ban đầu tận dụng nhân công sẵn có, ông phụ trách sắp lịch bay, con trai đứng ra vận hành máy, vợ ông hạch toán thu chi. Sau hai tháng khai trương, drone phun được hơn 2,800 hécta, với giá 160,000 đồng ($7) 1 hécta, doanh thu hơn 450 triệu đồng ($19,600). Trừ chi phí nhân công khoảng 20% (người lái, một đến hai người phụ tá), nhiên liệu 30%, chưa tính khấu hao máy móc ông lãi hơn 300 triệu đồng ($13,100).
“Mua về là phun xuyên suốt không có ngày nghỉ, cao điểm bay 70 hécta một ngày. Lúc đó, có năm máy vẫn không đủ dùng,” ông Trường cho biết.
Đầu năm nay, người nông dân quê xã Tân Tuyến mua thêm chiếc mới, đào tạo người lái, mở rộng thị trường sang các xã lân cận. Ông đề ra chiến lược, chi hoa hồng nhiều hơn cho nhân công, tạo động lực làm việc nhiệt tình, chủ ruộng hài lòng sẽ giữ chân được khách. Tuy diện tích phun thuê giảm còn 600 đến 700 hécta mỗi tháng do nhiều đối thủ cạnh tranh song ông Trường vẫn lãi hơn 100 triệu đồng ($4,300).
Drone phun thuốc trên cánh đồng huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Hình: Nghĩa Lâm/VNExpress)
Cùng trên địa bàn huyện Tri Tôn, anh Trương Triệu Phú, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp sắm sáu drone sau thời gian thử nghiệm vào Tháng Tư, 2021. Sắp tới anh bổ sung thêm hai máy với tham vọng mở rộng lên hàng chục máy.
Ngoài việc đến ruộng bằng xe máy, nhóm của anh Phú còn trang bị thêm xe tải vận chuyển 2-3 drone cho khu vực xa. Anh Phú cho biết: “Tổ bay tỏa đi toàn tỉnh nên thị trường còn rất lớn. Hiện sáu máy nhưng thường xuyên trùng lịch, phun không kịp, nông dân cằn nhằn hoài.”
Lợi nhuận trung bình mỗi máy là 50 triệu đồng ($2,100) một tháng, anh Phú dự định dùng tiền lãi sắm máy mới và tiếp tục đào tạo, mở rộng đội bay.
Theo thống kê của Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Tri Tôn, toàn huyện có 28 drone phun thuốc thuê.
Cách Tri Tôn 60 km, các cánh đồng huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có hơn 20 máy bay phun thuốc thuê. Ngoài thu hút cá nhân đầu tư sắm máy, dịch vụ này còn quy tụ mô hình kinh doanh tương tự Grab.
Anh Lâm Trọng Nghĩa, cán bộ Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp huyện Tam Nông, chủ phần mềm Mapa – làm nông đơn giản, đang vận hành 10 drone. Việc đặt lịch, lên kế hoạch bay, chấm công, hạch toán thu chi, hoàn toàn qua phần mềm. Đội bay Mapa gồm 10 phi công, 10 phụ tá và sáu nhân viên chăm sóc khách hàng, thủ quỹ, kỹ thuật, kế toán, thu nhập trung bình 10 đến 12 triệu mỗi tháng ($437 đến $525).
Cụ thể, nhà đầu tư trực tiếp sắm máy, giao cho anh Nghĩa vận hành bằng đội bay do anh xây dựng, cam kết chia lợi nhuận theo tỉ lệ nhất định. Thông qua phần mềm quản lý, chủ máy kiểm soát được doanh thu mỗi ngày, hạch toán lợi nhuận cuối tháng, thu hồi vốn mua máy sau 1-1.5 năm.
Nhóm bay của anh Trương Triệu Phú bên các máy drone mới. (Hình: Ngọc Tài/VNExpress)
Về phần nông dân, nhu liệu ngoài đặt lịch và nhận lịch, còn lưu trữ nhật ký đồng ruộng chi tiết từng lần phun, danh mục thuốc, giúp kiểm soát chi phí, lợi nhuận sau mỗi vụ.
Riêng với startup nói trên, anh Nghĩa hướng đến mục tiêu lâu dài, nhu liệu giúp kiểm soát phẩm chất nông sản thông qua việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng. Khi doanh nghiệp cần đặt hàng sản lượng lớn, phẩm chất đồng đều mô hình sẽ kết nối nông dân, nhận phun thuốc hết vụ và minh bạch nhật ký đồng ruộng với doanh nghiệp.
Theo nhiều nông dân, ưu điểm của máy bay phun thuốc là tiết kiệm 20 đến 30% thuốc, không giẫm lúa, phun đều, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và ít ảnh hưởng sức khỏe người phun. Với nông dân canh tác diện tích lớn từ vài ha trở lên, thuê phun bằng máy bay tiết kiệm được thời gian trong bối cảnh nhân công phun thuốc bằng bình máy đang khan hiếm.
Bên cạnh những ưu thế, drone phun thuốc là hàng điện tử, dễ gặp rủi ro nếu không nắm vững kỹ thuật vận hành. Các tai nạn cũng thường xảy ra như gãy cánh, rơi trên đồng, trong khi chi phí thay phụ tùng giá khá cao. (V.Giang)
BÌNH LUẬN
Sắp xếp mới nhất
Sắp xếp cũ nhất
Đăng nhập để gửi bình luận