Thị trường chứng khoán chao đảo dưới ‘sự tàn phá’ của chiến tranh và lạm phát
01 tháng 03 năm 2022Duong Nguyen
- Kinh tế 128
Trong tuần trước, thị trường tài chính thế giới đã chao đảo trước thông tin dồn dập về cuộc chiến Nga và Ukraine. Thống kê của Công ty chứng khoán BSC cho biết thị trường chứng khoán các nước phát triển giảm bình quân 4%, trong khi các nước trong khu vực có mức giảm 1,5%, còn chứng khoán Nga giảm 32,6%. Thị trường hàng hóa cũng chịu tác động mạnh khi hầu hết đều tăng đáng kể.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán thế giới nhanh chóng có sự cải thiện tích cực sau áp lực hồi đầu tuần. Thị trường Việt Nam cũng có diễn biến tương tự, khi chỉ số VN-Index có tuần giằng co mạnh quanh 1.500 điểm theo biến động thế giới. Chỉ số VN-Index vẫn tăng nhanh trở lại sau một phiên giảm mạnh, với thanh khoản cải thiện nhờ hoạt động “bắt đáy”.
“Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy luôn thường trực mỗi khi chỉ số lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.470 – 1.480 điểm”, Công ty chứng khoán VCBS đánh giá.
Tuy nhiên, dù đã xuất hiện lực cầu bắt đáy trong tuần vừa qua nhưng vẫn chưa đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung của thế giới. Ở phía ngược lại, lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1.520 điểm, khiến cho chỉ số VN-Index vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1.500 kể từ đầu tháng đến hiện tại.
Đóng cửa tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2, VN-Index chốt tại mức 1.498,89, giảm 5,95 điểm so với mức đóng cửa tuần trước đó, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,04%, đạt mức 440,16 điểm.
Thị trường cũng có sự phân hóa mạnh với 9/19 ngành tăng, trong khi có 203 cổ phiếu giảm so 183 cổ phiếu tăng. Ngành dầu khí, bán lẻ, viễn thông, hóa chất có mức tăng tốt trên 3%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí, tài nguyên cơ bản và bất động sản lại giảm.
Các nhóm nhà đầu tư vẫn thận trọng giao dịch trong tuần qua khi lượng mua, bán ròng giảm mạnh so với tuần trước đó.
Những diễn biến liên quan đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong tuần này tiếp tục là thông tin mà các nhà đầu tư theo dõi trong lo âu, quan ngại về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Theo đó, chứng khoán thế giới được dự báo sẽ có một tuần “rung lắc” mạnh tiếp tục, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Diễn biến xung đột đang là thông tin thu hút sự chú ý và thị trường rất khó kỳ vọng có nhịp tăng mạnh trong ngắn hạn”, báo cáo của BSC nhận định.
Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng trong tháng 3, ngoài tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, thị trường chứng khoán chờ tin lãi suất và lạm phát. “Câu chuyện lãi suất, lạm phát sẽ là câu chuyện đáng chú ý”, báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết.
Trong tuần trước, giá dầu thô giao dịch trên thị trường đã chạm mốc 100 đô la/thùng, ghi nhận mức đỉnh trở lại kể từ năm 2014. Sự lo ngại về lạm phát cao hơn kéo theo sự bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngân hàng trung ương các quốc gia đang phải tìm cách kiềm chế mức lạm phát cao sau nhiều thập kỷ.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital, cũng đánh giá dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, rủi ro dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư từ sự kiện này là rủi ro lạm phát.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực vì thường sẽ biến động và nhạy cảm với các tin tức liên quan. Tuy nhiên, khi thị trường giảm sâu sẽ là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn vì triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Bà Bùi Hoàng Minh, chuyên gia phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ mới đây, nhìn lại lịch sử căng thẳng địa chính trị thường có tác động trong ngắn hạn đến thị trường chứng khoán, tuy nhiên việc đầu tư cần nhìn vào nền tảng của thị trường đó trong 2-3 năm tới. “Căng thẳng địa chính trị là vấn đề nóng có thể kéo dài trong quí 1 và quí 2. Trong ngắn hạn thì rủi ro rung lắc, nhưng khi căng thẳng địa chính trị qua đi thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao và trong chu kỳ tăng trưởng”, bà Minh nói.
Về dự báo thị trường trong tuần này, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn VN-Index đang là 1.480 điểm, trong khi ngưỡng kháng cự ở mức 1.500 điểm. Tương tự, BSC cho rằng thị trường tiếp tục dự báo tiếp tục trong khoảng 1.485-1.515 điểm trong tuần tới, đồng thời cũng không loại trừ còn những nhịp “rung lắc” mạnh.
Còn theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, dòng tiền có thể sẽ phân hóa và vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có xu hướng rõ ràng hơn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức “trung tính”, trong khi trung hạn thì các chỉ số vẫn đang trong giai đoạn tích lũy. “Các nhà đầu tư chưa nên gia tăng đòn bẩy trong bối cảnh thị trường vẫn còn biến động mạnh do ảnh hưởng từ yếu tố địa chính trị”, Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Dũng Nguyễn