Cuộc tháo chạy của doanh nghiệp nước ngoài khỏi Nga

01 tháng 03 năm 2022
Duong Nguyen
Danh sách các công ty cắt đứt quan hệ kinh doanh hoặc xem xét lại hoạt động ở Nga đang tăng từng giờ...
Một dự án dầu khí có cổ phần của Shell ở Nga - Ảnh: Bloomberg.
Một dự án dầu khí có cổ phần của Shell ở Nga - Ảnh: Bloomberg.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang khiến các công ty nước ngoài ồ ạt rút khỏi Nga, đảo ngược xu hướng đã kéo dài 3 thập kỷ doanh nghiệp nước ngoài tìm cách rót vốn vào nước này - hãng tin Bloomberg cho hay.

Danh sách các công ty cắt đứt quan hệ kinh doanh hoặc xem xét lại hoạt động ở Nga đang tăng từng giờ, trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh phương Tây liên tục triển khai các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có việc đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Một số doanh nghiệp nhận thấy rằng những rủi ro này, cả về phương diện uy tín và tài chính, là quá lớn để họ có thể tiếp tục giữ hoạt động tại Nga.

Đồng Rúp có lúc giảm tới 30% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Mỹ cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Lệnh cấm này cản trở khả năng của CBR trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

CÁC CÔNG TY NĂNG LƯỢNG “DỨT ÁO” VỚI NGA

Đối với một số công ty, quyết định rút khỏi Nga đồng nghĩa với chấm dứt khoản đầu tư đã mang lại cho họ lợi nhuận lớn trong nhiều thập kỷ. Từ những năm 1990, các công ty năng lượng lớn của nước ngoài đã đổ tiền vào Nga. Hãng dầu khí BP Plc của Anh quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, đã gây sửng sốt khi vào cuối tuần vừa rồi tuyên bố sẽ thoái toàn bộ 20% cổ phần trong hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga. Động thái này có thể dẫn tới việc BP phải bút toán giảm 25 tỷ USD giá trị tài sản và khiến sản lượng dầu khí toàn cầu của hãng giảm 1/3.

Cổ phần của BP trong Rosneft là kết quả của một cuộc chiến vào năm 2012 nhằm giành quyền kiểm soát TNK-BP, một liên doanh giữa BP và một nhóm tỷ phú. Giờ đây, BP đang cân nhắc có nên bán lại cổ phần này cho Rosneft – theo tiết lộ của nguồn thạo tin.

Một nhà máy lọc dầu ở Nga do Rosneft vận hành - Ảnh: Bloomberg.
Một nhà máy lọc dầu ở Nga do Rosneft vận hành - Ảnh: Bloomberg.

Ngày thứ Hai, hãng dầu khí Anh-Hà Lan Shell Plc theo bước chân của BP. Trong một tuyên bố, Shell nói rằng “hành động quân sự vô lý” của Nga khiến công ty này quyết định chấm dứt mối quan hệ đối tác với tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom, bao gồm cơ sở sản xuất khí hoá lỏng (LNG) Sakhalin-II và cổ phần trong Nord Stream 2 - dự án đường ống dẫn khí mà Đức tuyên bố dừng quy trình phê chuẩn vào tuần trước. Đầu tư của Shell vào hai dự án này có tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng đã có cuộc gặp với Tổng giám đốc (CEO) Ben van Beurden của Shell vào ngày thứ Hai để thảo luận về hoạt động của Shell tại Nga, đồng thời hoan nghênh quyết định của Shell. “Shell đã làm đúng”, ông Kwarteng viết trên Twitter. “Các công ty Anh đã cảm nhận rõ ràng sự cần thiết phải cô lập Nga”.

Equinor ASA, công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy và do Chính phủ nước này nắm cổ phần đa số, tuyên bố sẽ bắt đầu rút khỏi các liên doanh tại Nga. Giá trị cổ phần của Equinor trong các liên doanh này ước tính có trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. “Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng hoạt động của chúng tôi tại Nga là không thể bền vững”, CEO Anders Opedal của Equinor phát biểu.

Những động thái trên khiến Exxon Mobil Corp. của Mỹ và TotalEnergies SE của Pháp là những hãng năng lượng lớn cuối cùng còn nắm hoạt động khoan dầu khí quy mô lớn ở Nga.

Exxon hợp tác ở dự án Sakhalin-I với Rosneft và các công ty từ Nhật Bản và Ấn Độ, trong khi TotalEnergies có một cổ phần lớn trong Novatek PJSC – nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga. Hôm thứ Năm tuần trước, CEO Patrick Pouyanne của TotalEnergies nói tại một cuộc họp báo rằng xung đột quân sự Nga-Ukraine sẽ không có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tại Nga, vì các hoạt động đó đều nằm xa những nơi có giao tranh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xu hướng có vẻ đang khác với những gì ông Pouyanne đã nói.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm những công ty nước ngoài tuyên bố rút khỏi Nga”, chiến lược gia Allen Good của Morningstar phát biểu. “BP chịu nhiều áp lực từ Chính phủ Anh, nhưng tôi không chắc TotalEnergies có chịu sức ép tương tự hay không, vì quan hệ giữa Pháp và Nga là khác”.

Một tàu chở LNG đang lấy hàng từ dự án Sakhalin-II của Nga - Ảnh: Bloomberg.
Một tàu chở LNG đang lấy hàng từ dự án Sakhalin-II của Nga - Ảnh: Bloomberg.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, các công ty nước ngoài nhận thấy những cơ hội cực lớn ở Nga – một thị trường mới với hàng triệu người tiêu dùng, một đất nước giàu các loại khoáng sản và dầu khí – và họ đã đổ tiền vào để mua cổ phần và bắt tay doanh nghiệp Nga. Sau khi Nga tấn công Ukraine, xu hướng đột ngột dừng lại.

Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, cho biết sẽ đóng băng số tài sản Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và đến ngày 15/3 sẽ đưa ra một kế hoạch thoái vốn khỏi các tài sản Nga.

DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI Ở NGA CHỊU SỨC ÉP TỪ MỌI PHÍA

Các công ty luật và tư vấn lớn cũng đang tính khả năng rời Nga. Baker Mckenzie tuyên bố sẽ cắt quan hệ với một số khách hàng Nga để tuân thủ các biện pháp từng phạt. Hãng luật nổi tiếng đặt trụ sở ở Chicago, Mỹ này có nhiều khách hàng lớn ở Nga, gồm Bộ Tài chính Nga và VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga, đã bị đóng băng tài sản và chịu các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Ngày thứ Hai Baker McKenzie nói đang xem xét lại hoạt động tại Nga.

Hãng luật Linklaters ra một tuyên bố cho biết “đang rà soát lại toàn bộ các công việc liên quan đến Nga”.

Một số công ty luật lớn nhất ở London, bao gồm Allen & Overy và Clifford Chance, hiện chưa đưa ra tuyên bố gì. Các toà án ở London từ lâu là nơi được giới nhà giàu Nga lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về kinh doanh hoặc chia tài sản khi ly hôn.

Không ít công ty luật khác đang hứng chịu sự chỉ trích vừa chưa chịu rút hoàn toàn khỏi Nga. Giám đốc toàn cầu Bob Sternfels của McKinsey & Co. hôm Chủ nhật có một bài đăng trên mạng xã hội LinkedIn chỉ trích việc Nga tấn công Ukraine, đồng thời tuyên bố công ty sẽ không tiếp tục làm việc với một cơ quan chính phủ nào ở Nga. Tuy nhiên, McKinsey không rút hoàn toàn khỏi Nga. Đối với nhiều người, cả trong và ngoài công ty, động thái của ông Sternfels là chưa đủ.

Nhà điều hành cấp cao nhất của McKinsey ở Ukraine kêu gọi các công ty hành động mạnh hơn và đóng cửa toàn bộ các văn phòng và chi nhánh ở Nga – nơi McKinsey đã hoạt động gần 30 năm.

Áp lực đối với các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng và liên doanh ở Nga cũng đang gia tăng mạnh. Daimler Truck Holding AG, một trong những nhà sản xuất xe tải thương mại lớn nhất thế giới, cho biết sẽ dừng hoạt động kinh doanh tại Nga cho tới khi có thông báo tiếp theo và có thể rà soát lại mối quan hệ với đối tác liên doanh tại Nga là Kamaz PJSC.

Lắp ráp xe tải Kamaz trong một nhà máy ở Nga - Ảnh: Bloomberg.
Lắp ráp xe tải Kamaz trong một nhà máy ở Nga - Ảnh: Bloomberg.

Hãng xe Thuỵ Điển Volvo cũng đã tuyên bố dừng hoạt động bán hàng và sản xuất tại Nga.

Những doanh nghiệp khác đến thời điểm này còn chưa lên tiếng về hoạt động tại Nga đang phải chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm chóng mặt. Cổ phiếu hãng xe Pháp Renault SA giảm tới 12% trong phiên ngày thứ Hai. Nga là thị trường lớn thứ hai của Renault và hãng này nắm cổ phần 68% trong AvtoVaz – đơn vị sản xuất xe Lada, thương hiệu ô tô chiếm khoảng 1/5 thị trường Nga. Ngoài ra, hãng này còn có một nhà máy sản xuất ô tô ở Moscow.

Cách đây 2 tuần, ông Mark McNamee – Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của công ty tư vấn FrontierView – đến Moscow để trao đổi với các công ty ở đó về những ảnh hưởng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Nhiều người đã gạt bỏ những kịch bản xấu nhất, đồng nghĩa với việc họ đã không chuẩn bị cho những gì đang xảy ra hiện nay – ông McNamee cho hay.

Cũng theo ông Namee, nhiều công ty nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh tại Nga vì nhiều ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT và nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Các công ty trong lĩnh vực năng lượng và hàng hoá cơ bản, hoặc những công ty cung cấp hàng hoá cho Chính phủ Nga còn đối mặt nguy cơ bị gọi là “trục lợi từ chiến tranh”.

Các công ty hàng tiêu dùng với hoạt động sản xuất và bán hàng lớn tại Nga khó có thể rút lui một cách dễ dàng, dù có muốn đi chăng nữa, như hãng sữa Danone SA của Pháp. Danone đang là hãng sữa lớn nhất ở Nga và đã hoạt động ở thị trường này gần 30 năm. Nga chiếm khoảng 5% doanh thu ròng của Danone. Hãng cho biết sẽ ứng phó với tình hình mới bằng cách tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ.

Theo ông McNamee, các công ty nước ngoài còn có thể phải đương đầu với sức ép của Chính phủ Nga, chẳng hạn nguy bị cơ tịch thu tài sản hay bị kêu gọi tẩy chay. “Các thương hiệu mang tính biểu tượng của Italy, Đức, Anh và Mỹ rất có thể sẽ trở thành đối tượng trả đũa của Chính phủ Nga”, vị chuyên gia nói.

An Huy

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Duong Nguyen



Duong Nguyen

02-03-2022


Chủ đề