Chủ đầu tư Dòng chảy phương bắc 2 sắp xin phá sản vì cấm vận với Nga
01 tháng 03 năm 2022Julie Nguyen
- Kinh tế 161
Dòng chảy phương bắc 2 đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thương mại trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Tuần trước, Mỹ trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG sau khi Nga công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai ở miền đông Ukraine. Sau đó, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến Mỹ và các đồng minh tung hàng loạt đòn trừng phạt nữa.
Nord Stream 2 AG, đăng ký tại Thụy Sĩ, thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. Năm ngoái, công ty này hoàn thành dự án trị giá 11 tỷ USD, được thiết kế để tăng gấp đôi khối lượng khí đốt từ Nga sang Đức.
Hai nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng Nord Stream 2 AG đang làm việc với một cố vấn tài chính để thực hiện một số nghĩa vụ nợ và có thể chính thức nộp đơn xin phá sản lên tòa án Thụy Sĩ trong tuần này.
Nord Stream 2 AG chưa phản hồi đề nghị bình luận về vấn đề này.
Tuyến đường ống dài 1.230km vẫn chưa bắt đầu vận hành thương mại vì còn chờ Đức cấp phép. Tuần trước, Đức đình chỉ quy trình cấp phép vì tình hình Ukraine leo thang.
Ngày 23/2, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ ban hành chỉ thị về việc “kết thúc các giao dịch liên quan đến Nord Stream 2 AG” hoặc “bất kỳ tổ chức nào mà Nord Stream 2 AG sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc có lợi ích lớn” trước ngày 2/3.
Gazprom trả một nửa chi phí xây tuyến đường ống Dòng chảy phương bắc 2, phần còn lại do tập đoàn dầu khí Anh Shell, tập đoàn OMV của Áo, Engie của Pháp, Uniper và Wintershall DEA của Đức góp vốn.
Các nguồn tin cũng tiết lộ rằng Nord Stream 2 AG đang thanh lý hợp đồng với nhân viên. Chưa rõ có phải tất cả bộ phận liên quan đến Nord Stream 2 AG sẽ bị giải tán hay Gazprom có kế hoạch gì để duy trì bảo dưỡng cho tuyến đường ống.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTS ngày 1/3 rằng tất cả nhân viên của Nord Stream 2 AG, gồm hơn 140 người đang làm việc cho công ty tại TP Zug của Thụy Sĩ, đã bị sa thải.
Là nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức ủng hộ dự án Dòng chảy phương bắc 2 để đa dạng hóa nguồn cung cho châu Âu. Nhưng dự án này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở một số nước châu Âu và Mỹ vì họ cho rằng sẽ càng khiến châu Âu phụ thuộc vào Nga, giúp Nga giảm cung cấp khí qua Ukraine.
Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, nhiều tập đoàn lớn, trong đó có những hãng dầu khí như Shell, cho biết họ sẽ rút khỏi các hoạt động làm ăn ở Nga.
Bình Giang
Theo Reuters