SWIFT, ‘bom nguyên tử tài chính’ có thể làm Nga điêu đứng vì xâm lăng Ukraine
01 tháng 03 năm 2022Michael Nguyen
NEW YORK, New York – Trong lúc Nga xâm lăng Ukraine, các quốc gia phương Tây đưa ra hàng loạt chính sách trừng phạt kinh tế Moscow, bao gồm loại bỏ quốc gia này ra khỏi Hiệp Hội Viễn Thông Liên Ngân Hàng và Tài Chánh Toàn Cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication – SWIFT), một hình phạt thực sự có thể khiến quốc gia này điêu đứng, theo nhận định của CNN.
Người biểu tình tại Pháp giơ bảng kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT. (Hình: Geoffroy Van Der Hasselt/AFP via Getty Images)
Ông Bruno Le Maire, bộ trưởng tài chính Pháp, gọi biện pháp cắt đứt một quốc gia ra khỏi SWIFT là một quả “bom nguyên tử tài chính.”
Biết được quả “bom nguyên tử SWIFT” được cấu thành ra sao và hoạt động thế nào sẽ hiểu vì sao ngay khi vừa xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đã có hơn 20 quốc gia kêu gọi áp dụng biện pháp mạnh này để đối phó với hành động hung hãn của Nga.
Trong ngày ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, ra lệnh “hành quân gìn giữ hoà bình” để tấn công toàn diện quốc gia “anh em” Ukraine, Kiev khẩn cầu thế giới cấp tốc thực hiện năm điều, trong đó điều đầu tiên là “Ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga NGAY LẬP TỨC, bao gồm cả SWIFT.” (Chữ “swift” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là nhanh chóng).
SWIFT là gì?
SWIFT là một tổ chức được thành lập vào năm 1973 với chức năng cung cấp dịch vụ trao đổi tài chánh qua tin nhắn và thanh toán bảo mật không dựa vào telex, theo nhật báo Washington Post (WaPo).
SWIFT có trụ sở tại La Hulpe, Bỉ, có hội đồng quản trị gồm 25 thành viên, do đó, tổ chức này phải tuân theo luật của Bỉ và mọi quy định của Liên Minh Châu Âu (EU).
WaPo cho biết hồi năm ngoái, SWIFT nhận được trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, bao gồm các đơn đặt hàng và xác nhận thanh toán, giao dịch và trao đổi tiền tệ. Hơn 1% các tin nhắn đó được cho là liên quan đến các khoản thanh toán của Nga.
Trụ sở SWIFT tại La Hulpe, Bỉ. (Hình: James Arthur Gekiere/Belga/AFP via Getty Images)
Hiện nay, có hơn 11,000 tổ chức tài chánh trên toàn thế giới sử dụng dịch vụ SWIFT và chưa có hệ thống nào thay thế được.
SWIFT tuyên bố rằng quyết định áp dụng hình phạt lên một quốc gia hoặc cá nhân phải được chính phủ hoặc nhà lập pháp các nước đồng thuận, theo CNN.
Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ bị tác động ra sao?
Nếu bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính tại Nga sẽ không thể chuyển tiền quốc tế, việc này tạo ra một cú sốc mạnh cho kinh tế Nga và những khách hàng ngoại quốc của họ – đặc biệt là các bên mua xăng dầu được định giá theo đồng đô la Mỹ.
Vào năm 2014, ông Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chánh Nga, ước tính rằng nền kinh tế của quốc gia này sẽ suy giảm 5% nếu bị loại ra khỏi SWIFT, theo CNN.
Trong năm 2012, do Iran phát triển chương trình vũ khí nguyên tử, các ngân hàng tại quốc gia này bị loại khỏi SWIFT, dẫn đến doanh thu xuất cảng dầu khí của nước này giảm một nửa, và tổng giá trị thương mại quốc tế giảm 30%.
Ông Volodymyr Zelensky (giữa), tổng thống Ukraine, từ chối đề nghị di tản của Mỹ, quyết định tử thủ tại Kiev bảo vệ đất nước, nhiều lần kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT. (Hình: Evgeniya Maksymova/AFP via Getty Images)
Biện pháp đối phó của Nga
Đương nhiên, Tổng Thống Vladimir Putin cũng tính đến khả năng bị loại khỏi SWIFT, và đã chuẩn bị trước trong nhiều năm gần đây.
Phía Moscow đã tự thiết lập một hệ thống thanh toán mới tên SPFS, tương tự như SWIFT, sau khi bị các nước phương Tây trừng phạt vào năm 2014, khi Moscow thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine.
Hiện có khoảng 20% lượng giao dịch nội địa được thực hiện qua SPFS, nhưng kích cỡ tin nhắn bị giới hạn và hệ thống chỉ hoạt động vào các ngày trong tuần.
Nga cũng có thể sử dụng Hệ Thống Thanh Toán Liên Ngân Hàng Xuyên Biên Giới (CIPS) của Trung Quốc, hoặc chuyển sang sử dụng tiền ảo.
Tuy nhiên, các biện pháp thay thế này đều không có lợi cho Nga.
Ông Nikolai Zhuravlev, phó chủ tịch Thượng Viện Nga, đe dọa rằng nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, họ sẽ ngừng cung cấp xăng, dầu, và kim loại cho Châu Âu.
Người Mỹ biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, chống ông Putin xâm lăng Ukraine. (Hình: Samuel Corum/Getty Images)
Nước nào bị ảnh hưởng mạnh khi Nga bị loại khỏi SWIFT?
Ngay từ khi Nga tập trung quân đội bao vây Ukraine, Mỹ và NATO liên tục cảnh báo sẽ áp dụng cấm vận nghiêm ngặt nếu Moscow tiến hành xâm lăng.
Tuy nhiên, mặc dù được Kiev kêu gọi nhiều lần dùng “bom nguyên tử SWIFT” để ngăn chặn tiếng súng trước khi cuộc xâm lăng xảy ra, Mỹ và nhiều quốc gia Liên Âu không muốn áp dụng biện pháp này, e rằng sẽ gây thêm căng thẳng, WaPo cho biết.
Nhưng khi Nga bắt đầu pháo kích và tổng tấn công Ukraine khắp mọi hướng thì áp lực của công luận thế giới đòi hỏi phải có biện pháp thực sự mạnh mẽ và hiệu quả để chận đứng tham vọng của ông Putin, đặc biệt Châu Âu đều cảm thấy áp lực nặng nề trước sự hung hãn của quân đội Nga.
Tình hình trên khiến EU và Anh đều cân nhắc đưa ra hình phạt này để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine.
Nhưng việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ra tác động lớn nhất lên Mỹ và Đức, do hai quốc gia này có rất nhiều giao dịch qua SWIFT với các ngân hàng của Nga.
“Chắc chắn hình phạt này sẽ là một vũ khí hiệu quả (để chống lại Nga). Nhưng tôi lo rằng nó chỉ thực sự có hiệu lực nếu Mỹ đồng ý hỗ trợ,” Thủ Tướng Boris Johnson của Anh nhận xét.
Tổng Thống Joe Biden quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Hai. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)
Cuối cùng “bom nguyên tử SWIFT” được nhấn nút
Tuy nhiên, mọi sự đã có chiều hướng thay đổi, hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Hai, Toà Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ và đồng minh sẽ loại một số ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT, nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga để đáp lại vụ xâm lăng Ukraine, theo Reuters.
Quyết định của Tổng Thống Joe Biden bỏ “quả bom nguyên tử tài chính” này là sự thay đổi bất ngờ, vì cách đây chỉ vài ngày, việc loại Nga ra khỏi SWIFT có vẻ không thể xảy ra trong tương lai gần.
Hành động loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT được loan báo thông qua tuyên bố chung của các lãnh đạo Mỹ, Liên Âu, Pháp, Đức, Ý, Anh, và Canada.
Mỹ và Liên Âu gọi vụ Nga xâm lăng Ukraine là “cuộc tấn công những tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế căn bản có từ Thế Chiến 2, mà chúng tôi cam kết bảo vệ.”
Bản tuyên bố chung bày tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi sát cánh cùng người dân Ukraine trong giờ phút đen tối này. Ngoài những biện pháp công bố hôm nay, chúng tôi còn sẵn sàng áp dụng thêm phương cách khác nữa nhằm buộc Nga chịu trách nhiệm trong việc xâm lăng Ukraine.” [đ.d.]
BÌNH LUẬN
Sắp xếp mới nhất
Sắp xếp cũ nhất
Đăng nhập để gửi bình luận