Người Việt ở Ukraine tự tìm đường di tản

01 tháng 03 năm 2022
Julie Nguyen
    155
ODESSA, Ukraine – “Ngày mai tôi sẽ đi Moldova tạm một tuần. Nhiều người ở đây đi về phía Ivov nhưng tôi theo đoàn khác. Tôi đi trước xem tình hình thế nào, nếu an toàn trên đường đi sẽ báo cho bố, mẹ và em trai đi theo,” anh Thiện nói qua điện thoại với báo VNExpress tối 28 Tháng Hai.

Anh Thiện cho biết sẽ lên đường vào buổi sáng, khi đã hết giờ giới nghiêm. Đoàn di tản mà anh Thiện tháp tùng khoảng 50 xe tự tổ chức đi, khởi hành từ thành phố Odessa, phía Nam Ukraine, đến biên giới nước Moldova dài khoảng 300 km.

Đoàn xe hơi xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát biên giới giữa Ukraine và Moldova, sáng 1 Tháng Ba. (Hình: VNExpress)

Khi đến nơi, tùy theo quy định tại chốt biên phòng. Nếu không được mang xe hơi gia đình qua biên giới, anh Thiện sẵn sàng bỏ lại và đi bộ sang Moldova lánh nạn.

Theo anh Thiện, người dân thành phố Odessa từ rạng sáng 28 Tháng Hai đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn. Căn cứ hải quân Ukraine là mục tiêu bắn phá đầu tiên. Di tản là quyết định khó, khi đoạn đường trước mắt ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng ở lại thì nguy hiểm bởi đã có người ở Odessa bị thiệt mạng vì đạn lạc sau khi lái xe ra đường trong giờ giới nghiêm.

“Những ngày qua, quân đội Nga chủ yếu nã pháo vào các cảng biển. Còi báo động phát mỗi ngày. Nhà tôi nằm trong thành phố, nhưng cũng hơi lo vì cách phi trường khoảng 4 km và cách doanh trại quân sự khoảng 8 km,” anh Thiện nói.

Trong khi đó anh Minh Hoàng, một nghiên cứu sinh ở Kharkiv, cho biết: “Gần khu tôi sống bị bắn phá ác liệt. Khu ký túc xá mất điện ba ngày qua. Hôm nay tôi tìm cách đến tòa nhà chính của trường để trú và sạc pin điện thoại, nhưng đang trên đường đi pháo lại bắn khá gần. May là trú được vào nhà dân, sẵn sạc nhờ luôn. Tôi biết ơn họ lắm.”

Theo anh Hoàng, từ khu ký túc xá đến tòa nhà chính của trường đại học bình thường chỉ đi khoảng 7 đến 10 phút. Con đường thường ngày giờ trở thành lựa chọn đầy rủi ro. Đạn pháo, giao tranh giữa quân Nga và Ukraine bảo vệ thành phố có thể nổ ra bất kỳ lúc nào. Một số hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đạn pháo rơi vào các khu dân cư ở Kharkiv.

Những ngày qua, anh Hoàng chủ yếu ở lại phòng trên tầng một của tòa nhà để ăn uống và vệ sinh, chỉ chạy xuống lánh nạn khi nghe còi báo động không kích. Đêm 28 Tháng Hai, anh mới xuống hầm trú ẩn để ngủ khi thấy tình hình căng thẳng.

“Tôi cũng biết ra ngoài là nguy hiểm nên thấy tình hình yên ắng mới dám chạy đi. Xung quanh khu ký túc xá đều mất điện. Cả ngày qua tôi không liên lạc được ai, trong lòng không bình tĩnh nổi. Tôi chỉ biết vừa đi, vừa quan sát xung quanh, cầu mong được an toàn,” anh Hoàng lo lắng cho biết thêm.

Các hội nhóm người Việt ở Ba Lan, Slovakia, Moldova và những nước cạnh Ukraine đang huy động nguồn lực cộng đồng, thu xếp nơi ăn chốn ở cho đồng hương ở Ukraine di tản sang. Các đầu mối liên lạc và hướng dẫn đường đi, thủ tục tại biên giới được chia sẻ nhiều trên diễn đàn “Tương trợ người Việt Ukraina” từ khi chiến sự bùng phát.

Binh sĩ và dân quân Ukraine tìm cách tháo gỡ khẩu đại liên trên xe quân sự Nga bị bắn cháy tại Kharkiv. (Hình: Sergey Bobok/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, di tản từ những vùng giao tranh ác liệt đến khu vực an toàn không đơn giản. Không ít người Việt vẫn kẹt lại vùng chiến sự do không có hành lang an toàn cho dân thường. Một số thành viên trong nhóm tương trợ nói trên cho rằng cách tốt nhất là ở yên, cố thủ trong các khu hầm trú ẩn và chờ tình hình lắng xuống. Họ lo sợ trúng tên bay đạn lạc trên đường di tản.

Báo Tuổi Trẻ 1 Tháng Ba dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, cho biết hiện có khoảng 7,000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại. Đến trưa cùng ngày, khoảng 200 người được đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ di tản ra khỏi vùng chiến sự. (Tr.N)

 

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Julie Nguyen



Julie Nguyen

16-01-2022


Chủ đề