Bầu trời Nga - Ukraine: Căng thẳng mới của hàng không thế giới
28 tháng 02 năm 2022Michael Nguyen
- Tin tức 112
Các biện pháp trừng phạt và thu hẹp không phận đang gây thêm căng thẳng cho ngành hàng không toàn cầu. Ukraine, Moldova và một phần của Belarus đã đóng cửa không phận. Anh cấm các máy bay thương mại của Nga. Sau đó, Nga đã đáp trả bằng cách cấm máy bay Anh vào không phận.
Trong ngày 25/2, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo nước này đang chuẩn bị đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Czech Martin Kupka cũng đăng trên Twitter rằng, bắt đầu từ nửa đêm, máy bay Nga sẽ bị cấm vào không phận.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã tăng gấp đôi cảnh báo an ninh, mở rộng phạm vi cho các hãng hàng không từ 100 hải lý lên 200 hải lý quanh biên giới Ukraine với Nga do lo ngại tên lửa tầm trung.
Website theo dõi chuyến bay của FlightRadar24 cho thấy các máy bay né không phận Ukraine hôm 24/2. Ảnh: Reuters
Hàng loạt động thái đã ảnh hưởng dịch vụ của nhiều hãng bay. Cố vấn hàng không Bertrand Grabowski cho rằng sẽ khó hơn để các nhà đầu tư chấp nhận danh mục bao gồm các hãng hàng không Nga. "Không ai muốn nhận rủi ro của Nga bây giờ", ông nói.
Câu lạc bộ bóng đá Manchester United (Anh) cho biết sẽ rút lại thỏa thuận tài trợ với hãng hàng không Nga. Hãng này là nhà tài trợ hàng không chính thức của đội kể từ năm 2013 và cung cấp các chuyến bay thuê bao cho đội.
Delta Air Lines cho biết sẽ không còn bán chỗ trên các chuyến do hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot khai thác; không cho phép hãng này bán vé trên các chuyến của Delta.
Một số hãng đã thận trọng hủy chuyến bay. Japan Airlines hủy chặng khứ hồi hàng tuần giữa Moskva và Tokyo. KLM Royal Dutch Airlines, thuộc Air France-KLM SA, hủy chặng bay buổi tối hàng ngày đến Moskva và cấm phi hành đoàn ngủ lại qua đêm ở Nga.
Rob Morris, Cố vấn trưởng của Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh, đánh giá cuộc xung đột ở Ukraine "nguy cơ cao" làm trật bánh đà phục hồi hàng không mong manh ở châu Âu.
American Airlines đang định tuyến chặng Delhi - New York. Trong khi đó, United Airlines tiếp tục sử dụng không phận Nga cho các chuyến bay Delhi - Chicago và Delhi - Newark. Hãng này nói rằng không có tác động nào đến các chuyến bay của mình. Tuy nhiên, tuần qua, cổ phiếu các hãng hàng không đã dao động khi có tin về chiến sự.
British Airways đã hủy đường bay thường lệ ba lần một tuần đến thủ đô của Nga. Các chuyến đến Ấn Độ, Pakistan, Singapore và Thái Lan sẽ buộc phải định tuyến lại để tránh vùng trời đang bị đóng khiến chúng mất nhiều giờ bay hơn.
Thậm chí, vừa qua, một chiếc Boeing 787 của British Airways đang trên đường đến London từ Bangkok - thường bay qua Nga - đã được định tuyến lại khi đang bay hôm thứ sáu vừa rồi. Nó buộc phải rẽ trái, ngoặt qua Kazakhstan để bay qua không phận Azerbaijan và Georgia trước khi băng qua phần phía nam của Biển Đen gần với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lufthansa và Air France, đã đình chỉ các chuyến bay đến Ukraine vào đầu tuần này khi căng thẳng leo thang. Virgin Atlantic cũng đang tạm ngừng các chuyến bay chở hàng giữa London và Thượng Hải trong khi xem xét định tuyến lại các dịch vụ đó. Hãng hàng không Wizz Air có trụ sở tại Hungary cũng thông báo với khách hàng rằng tất cả chuyến bay đến và đi từ Ukraine sẽ bị dừng cho đến khi có thông báo mới.
Cơ quan xếp hạng Fitch cho biết lợi nhuận và dòng tiền của các hãng hàng không có thể bị ảnh hưởng nếu giá dầu thô tiếp tục tăng hoặc ở mức cao. Các nhà phân tích của Jefferies đánh giá các hãng hàng không châu Âu có khả năng phải chịu đòn lâu dài hơn do xung đột.
Tuần này, có thời điểm giá dầu Brent tăng lên hơn 105 USD mỗi thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014. Điều đó làm tăng chi phí vận hành vào thấp điểm vì đại dịch.
Máy bay nằm im tại Sân bay Quốc tế Boryspil gần Kyiv, Ukraine hôm 24/2. Ảnh: Reuters
Những hạn chế về không phận càng làm nổi bật vai trò không thể thiếu của Nga với hàng không toàn cầu. Đường bay nhanh nhất cho các chuyến bay giữa châu Âu và Vành đai Thái Bình Dương là qua Siberia.
Trong những năm 1950 và 1960, phần lớn không phận của Nga bị Liên Xô đóng cửa. Mãi cho đến khi quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây tan băng vào những năm 1970, không phận Siberia mới được mở cho các tàu bay của phương Tây và châu Á. Vào thời điểm đó, các tàu bay sẽ dừng tại Moskva để tiếp nhiên liệu.
Kể từ đó, máy bay có thể đi trực tiếp qua đây. Tuyến đường này đã trở thành một phần quan trọng của dòng chảy thương mại và hành khách giữa châu Á và cả châu Âu với Mỹ.
Tuyến đường này cũng đã mang lại nguồn thu ổn định cho chính quyền Nga, những người thu phí sử dụng không phận và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào. Theo cơ quan vận tải hàng không liên bang nước này, gần 195.000 chuyến bay thương mại đã bay qua không phận Nga vào năm 2021, tức trong thời gian Covid-19. Trước đại dịch, con số này thậm chí lên tới 301.000.
"Việc mất quyền bay qua không phận Nga chắc chắn sẽ có tác động đến hoạt động", người phát ngôn của Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc gia Mỹ cho biết. Thành viên của hiệp hội bao gồm các hãng vận chuyển hàng hóa như Atlas Air Worldwide Holdings.
Các nhà khai thác hàng hóa của Mỹ như United Parcel Service và FedEx đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho các hoạt động đến Nga. Trong khi đó, hãng chuyển phát nhanh DHL, một đơn vị của Deutsche Post AG, cho biết các hoạt động đến Ukraine đã bị đình chỉ.
Thực tế, theo OPSGROUP - một tổ chức hợp tác trong ngành hàng không - cũng không có khả năng Nga chủ động thực hiện các lệnh trừng phạt và cấm không phận vì họ không muốn thấy Aeroflot bị cấm trả đũa. "Tuy nhiên, họ có thể phản ứng để đáp trả các lệnh trừng phạt từ các nước khác", tổ chức này nhận định.
Theo công ty phân tích Cirium, các hãng hàng không Nga có 980 máy bay đang hoạt động, với 777 chiếc là đi thuê. Trong số này, 515 chiếc với giá trị thị trường ước tính 10 tỷ USD được thuê từ nước ngoài.
Trong số các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu dự kiến thông qua có lệnh cấm bán máy bay và phụ tùng cho Nga. Điều đó có thể làm gián đoạn kế hoạch bán máy bay của Airbus. Công ty có 14 máy bay thân rộng A350 vẫn đang trong quá trình chuyển giao cho Aeroflot. Washington cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa bao gồm các bộ phận máy bay.
"Chúng tôi đang phân tích tác động của các lệnh trừng phạt. Chúng tôi sẽ tuân thủ tất cả biện pháp trừng phạt và luật hiện hành khi chúng có hiệu lực", người phát ngôn của Airbus cho biết. Trong khi đó, đối thủ của Airbus là Boeing, có các trung tâm thiết kế ở Nga với hơn 2.000 lao động, vẫn tiếp tục hoạt động
Eric Fanning, CEO Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Mỹ tin rằng các lệnh trừng phạt và các hoạt động kiểm soát xuất khẩu "sẽ không cản trở nhu cầu duy trì an toàn của máy bay thương mại".
Phiên An (theo WSJ, CNN, Reuters)