So sánh công ty và tổ hợp hữu hạn

27 tháng 02 năm 2022
Michael Nguyen
Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra, Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.

“Công ty trách nhiệm hữu hạn” là một hình thức bảo vệ tài sản khá hữu hiệu. (Hình minh
họa của JEAN-PHILIPPE KSIAZEK/AFP via Getty Images)

“Công ty trách nhiệm hữu hạn” là một hình thức doanh nghiệp tương đối mới mẻ được phát
huy tại Hoa Kỳ khoảng hơn 10 năm nay. Trên khía cạnh sử dụng cơ sở thương mại, đây là
một hình thức rất hữu hiệu trong mục tiêu bảo vệ tài sản và giảm thiểu thuế.

Về ảnh hưởng thuế, hình thức “Công ty trách nhiệm hữu hạn” (Limited Liability Corporation
gọi tắt là LLC) cũng áp dụng giống “Tổ hợp gia đình trách nhiệm hữu hạn” (Family Limited
Partnerships gọi tắt là FLP). Tuy nhiên, có vài điểm khác biệt quan trọng giữa hai loại tổ
chức thương mại này.

Trước hết, LLC có thể chỉ có một sở hữu chủ nhưng FLP phải gồm ít nhất từ hai trở lên.
Do đó, nếu LLC gồm một hội viên thì được bỏ qua thuế nên rất có lợi cho một vài loại giao
dịch. Thí dụ, hoán đổi bất động sản được xếp vào loại trao đổi hoãn thuế (tax-deferred
like-kind exchange). Kế đến, tất cả hội viên của LLC đều chỉ chịu liên đới hạn chế trong
trường hợp thua kiện không sợ bị thâu tóm toàn bộ tài sản của công ty, mà chỉ mất một
phần rất nhỏ của cá nhân thành viên trách nhiệm mà thôi. Đây là một lợi điểm lớn cho các
LLC quản trị tài sản quan trọng như thương nghiệp hoặc bất động sản thường phải đương
đầu với nguy cơ bị kiện tụng.

Ngược lại, FLP vì bắt buộc phải có hội viên tổng quát (general partner) đứng ra quản trị,
nên cá nhân này đương nhiên phải gánh trọn trách nhiệm khi xảy ra chuyện không may. Vì
thế, muốn tránh rủi ro cần phải lập một công ty đứng ra quản trị thay cá nhân, cho nên LLC
rất thích ứng trong vai trò này bởi rất đơn giản, ít tốn kém hơn đồng thời cũng giảm được
thuế một khi FLP được đặt dưới sự bảo vệ của LLC.

Hơn nữa, FLP có khác biệt quan trọng khác với LLC ở điểm hội viên hạn chế (limited
partner) không có quyền tham gia việc điều hành tổ chức. Ngược lại, trong LLC giới hạn
quyền quản trị được ấn định theo giao ước trong bản điều lệ nội bộ hay nội quy. Đặc điểm
này thích hợp với các bậc cha mẹ muốn cho con cái một phần gia tài trong tổ hợp FLP,
nhưng không muốn các con dính dáng vào việc điều hành tài sản đó lúc mình còn sống.
Song, trong tổ chức LLC tất cả mọi hội viên đều được tham gia quản trị công ty cho nên
muốn hạn chế quyền hạn hội viên nào thì cần phải được ghi rõ ràng trong nội quy.

Hình thức tổ chức của FLP và công ty LLC đều mô phỏng theo hình thức tổ chức của các
công ty nhỏ, phân biệt theo luật thuế vụ. Theo đó, cơ quan thuế vụ IRS phân loại nhiều loại
công ty khác nhau để tính thuế.

Trước hết là “công ty thuộc tiểu chương C’ (subchapter C corporation gọi tắt là công ty loại
C) là những đại công ty có phát hành cổ phiếu bán ra cho công chúng như các hãng IBM,
Boeing, Microsoft… Công ty loại C phải qua thủ tục khai thuế lợi tức giống như cá nhân,
nghĩa là phải nộp tờ khai thuế (tax return) hàng năm khai ra tổng số lợi tức sau khi trừ mọi
chi phí điều hành, rồi tính ra thuế phải đóng theo giá biểu của đại công ty. Dĩ nhiên, nặng
hơn giá biểu thuế cá nhân.

Chủ nhân của công ty loại C chính là tất cả mọi người mua cổ phần đều được chia lãi thực
sự sau khi trừ thuế. Tuy nhiên, sau khi nhận phần lợi tức được chia đó người thụ hưởng lại
phải khai thành lợi tức cá nhân, rồi đóng thêm một lần thuế nữa trên số tiền đó.

Các công ty loại C chỉ có quyền chia tiền lãi mà không được lấy vốn ra phân phối cho
những người nắm cổ phiếu (cổ đông) nhưng công ty có thể khai lỗ hay giảm vốn qua việc
bán đi hay trao đổi tài sản của công ty.

Còn các “công ty thuộc tiểu chương S” (subchapter S corporation gọi tắt là công ty loại S)
là những tổ chức kiểu buôn bán nhỏ với một ít nhân viên. Thí dụ như tiệm ăn, tiệm giặt hay
một tổ hợp do gia đình quản lý. Lợi điểm chính của công ty loại S thông thường là không bị
đánh thuế trên cấp công ty. Lợi tức chia cho các hội viên hay nhân viên đều kể như lợi tức
cá nhân, bất kể có chia vốn hay không để tự khai thuế hàng năm và chỉ bị đánh thuế một lần
mà thôi.

Các kế hoạch bảo vệ tài sản theo mẫu công ty S có ảnh hưởng thuế như sau:

1- Tổ hợp hùn hạp được đặc quyền miễn thuế không phải đóng thuế lợi tức như công ty loại
C. Các hội viên tự khai tiền lãi được chia để đóng thuế lợi tức hàng năm, cùng với các lợi
tức cá nhân khác.

2- Tổ hợp FLP có ưu điểm được giảm thuế trên các tài sản của tổ hợp. Khi tính thuế, các tài
sản này được kể giảm giá trị (discount) vì tính chất không bán từng phần đi được. Hội viên
cũng có quyền chuyển các tài sản sinh lợi vào tổ hợp, để tránh thuế với điều kiện không bị
IRS liệt kê trong danh sách tài sản đầu tư.

Thông thường, các cặp vợ chồng thường chuyển ngôi nhà hiện đang cư ngụ thành tài sản
của tổ hợp để làm kế hoạch bảo vệ tài sản. Ðiều này rất hiệu nghiệm nhưng nếu còn nợ nhà
(mortgage), thì mất đi dịp khai tiền lãi trả mortgage để được giảm thuế lợi tức cá nhân.

3 – Công ty LLC được hưởng quy chế miễn thuế như các công ty loại S khác. Do đó, các
hội viên chỉ phải khai phần lợi tức được chia theo tờ khai thuế cá nhân hàng năm mà thôi.
Ngoài ra, nếu công ty bị lỗ thì hội viên còn được khai thêm một phần lỗ lã đó để giảm thuế.

Công ty tiểu chương S còn có lợi điểm cho các hội viên vừa có trách nhiệm hạn chế, nhưng
lợi tức lại không bị đánh thuế như đại công ty. Tuy nhiên có nhiều khuyết điểm so với LLC.
Cụ thể, công ty LLC không bị giới hạn số hội viên như công ty loại S là không quá 100
người làm chủ chung (hội viên). Muốn trở thành hội viên LLC tương đối ít điều kiện bắt
buộc hơn, trong khi công ty loại S có nhiều hạn chế quan trọng bất lợi. Thí dụ như chỉ cho
phép một số loại tín mục (trust) được mua cổ phần, còn những người lạ không được trở
thành cổ đông và cổ phần chỉ được nắm giữ trong một thời gian hạn định.

Những hạn chế kể trên đối với công ty LLC hay tổ hợp FLP, lại được kể là lợi điểm như một
giới tuyến bảo vệ tài sản thứ hai chống lại thưa kiện. Hơn nữa, cách phối trí tiền bạc, thu chi
hay lợi tức giữa các chủ chung trong công ty LLC rất mềm dẻo, thỏa đáng so với công ty
loại S rất khó khăn, vì điều kiện mỗi cổ phần phải được phân chia giống nhau.

Công ty LLC được đắc dụng khi sở hữu nhà đất hay các bất động sản đầu tư khác dưới
hình thức nhiều người bỏ vốn cùng có chủ quyền, dù nhiều cá nhân đứng tên hùn hạp. Tuy
thể thức này được cả lợi điểm đơn giản về thuế cùng pháp lý, nhưng đối với các nguồn tài
trợ vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngược lại, đối với các hiểm họa thưa kiện vì các
liên đới khác thì các cá nhân hội viên chỉ có trách nhiệm hạn chế mà thôi.

LLC cũng đắc dụng cho các chuyên gia hành nghề chung, theo đó các hội viên đều có trách
nhiệm độc lập phần ai nấy chịu trong giới hạn cá nhân. Ngược lại, nếu hành nghề chung theo
hình thức hùn hạp thì có thể bị trách nhiệm lây vì hành động của người bạn hùn hạp.

Ngoài ra, LLC rất thích hợp với những người hợp tác các dự án kinh doanh có nguy cơ liều
lĩnh cao, vì những người hoạt động chung chỉ chịu liên đới hạn chế trong phần trách nhiệm
riêng mỗi người mà thôi.

Tóm lại, LLC được kể như một cơ cấu thương mại lý tưởng, bao gồm các ưu điểm hội viên
chỉ có trách nhiệm liên đới hạn chế nhưng được tham dự điều hành và có quyền lợi phân
phối đồng đều.

Về phương diện hoạch định tài sản (estate planning), hội viên của LLC có thể đem tặng
phần tài sản trong công ty cho người khác, nhưng vẫn giữ được chủ quyền. Thí dụ, cha mẹ
cho con cái được hưởng lợi tức do phần đầu tư sinh ra, nhưng vẫn giữ hoàn toàn chủ quyền
trên tài sản đó.

Nội quy điều hành LLC có thể đặt điều khoản hạn chế không cho hội viên bán phần tài sản
của mình cho người ngoài và ấn định rõ ràng quyền hạn của từng hội viên. Tuy nhiên, cần
lưu ý thi hành đúng theo khuôn khổ ấn định của cơ quan thuế vụ IRS đừng để bị coi như lợi
tức phải đóng thuế.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information), giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ
10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531-
7080; website: www.lylylaw.com

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Michael Nguyen



Michael Nguyen

21-02-2022


Chủ đề