Kiev, còn đâu ngày tháng thanh bình!
27 tháng 02 năm 2022Michael Nguyen
- Du lịch 206
Quảng trường St. Sophia ngày tháng thanh bình. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi đã đến Kiev nhiều lần vào các tháng mùa Hè, tháng mà người dân Kiev cho là nóng nhất. Nhưng tôi luôn gặp may mắn, trời Kiev mưa rào trước đó ít ngày và thời tiết thật đẹp cho những ngày tôi lưu lại ở đây.
Trên chuyến bay từ Munich đến Kiev chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng thời gian này cũng đủ để tôi quan sát về những người Ukraine đi chung cùng chuyến bay. Nếu phải so sánh với những người dân Âu Châu khác, tôi cảm thấy người Ukraine thật dễ chịu, trật tự và họ không làm ồn ào trong suốt chuyến bay.
Mà quả thật thế, sau những ngày lưu lại Kiev tôi thật sự cảm thấy dễ chịu với người dân bản xứ từ việc mua quà đến quán ăn hay đi xe điện. Họ thân thiện, dễ làm quen và rất sùng đạo. Còn về vấn đề an toàn trên đường phố thì tệ trạng trộm cắp móc túi thì không có nước nào ở Âu Châu mà thiếu vắng cả, chỉ có ít hay nhiều mà thôi!
Đến với Kiev, có lẽ chúng ta cũng cần biết một thoáng qua về lịch sử của Ukraine. Trước thế kỷ 20 Ukraine bị lệ thuộc và ảnh hưởng nhiều vào các triều đại Nga Sa Hoàng của nước Nga. Sau khi đảng Cộng Sản Nga lật đổ Nga Sa Hoàng vào năm 1917, họ đã tạo thành một đế quốc Xô Viết rộng lớn và buộc các nước trong vòng kiểm soát của họ thành những Cộng Hòa Xô Viết.
Các Cộng Hòa Xô Viết được gom lại và gọi là Liên Bang Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô).
Sinh hoạt tại quảng trường chính của Kiev. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Ukraine là một Cộng Hòa Xô Viết trong đế quốc Liên Xô cho mãi đến năm 1989 thì đế quốc này bắt đầu tan rã và sụp đổ. Liên Bang Xô Viết chết hẳn từ đó, hai chữ Liên Xô không còn tồn tại từ năm 1990. Năm 1991 thì Ukraine tuyên bố thành một đất nước độc lập và tự chủ.
Hơn 30 năm đã trôi qua, Ukraine đang dần hòa nhịp vào nền kinh tế thị trường thế giới, ngành du lịch cũng trở thành một kỹ nghệ quan trọng đang phát triển ở đất nước này. Thế nhưng từ năm 2014, “người anh em Liên Bang Nga” trỗi dậy và chiếm đoạt mất đi bán đảo Crimea của Ukraine tạo ra một sự bất ổn trong khu vực này cho đến ngày nay. Kiev cũng mất đi sự ổn định từ đó.
Có một điều thú vị là trong quá khứ, lịch sử Ukraine cũng có một vài điểm gần với lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 13. Năm 1240 Bạt Đô (cháu Thành Cát Tư Hãn) trên đường lui quân về thảo nguyên Mông Cổ đã tiến đánh và chinh phục thành phố Kiev, Bạt Đô đã tàn phá không thương tiếc gì thành phố này chỉ vì cái tội không chịu thần phục quân Mông. Mông Cổ đã thống trị ở đây hơn 100 năm. Năm 1257 bộ tướng Nguyên Mông Ngột Lương Hợp Thai trên đường vòng về qua ngõ Đại Lý (Vân Nam Trung Hoa) đã tiến đánh Đại Việt cũng vì cái tội không chịu thần phục họ, nhưng không hợp thủy thổ nên quân Nguyên Mông đã bị Đại Việt đẩy lùi.
Thế kỷ 13 là thế kỷ của đế quốc Mông Cổ thống trị trên một vùng đất vô cùng rộng lớn suốt từ phía Đông Âu Châu đến tận phía Nam Á Châu. Mông Cổ đã không thống trị được các miền đất Đông Nam Á Châu, nhưng họ đã thống trị phần đất Đông Âu hơn cả trăm năm trong đó có Kiev.
Thánh đường Saint Sophia tại Kiev. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Lịch sử thì như thế, nhưng ngày nay đến du ngoạn Kiev du khách không còn nhìn thấy một di tích nào của đế quốc Mông Cổ ngày xưa còn ghi dấu lại. Người ta chỉ có cơ hội được xem những di tích của đế quốc Xô Viết vừa mới sụp đổ vào hai thập niên trước. Những di tích này còn rất mới nhưng hình như người dân Ukraine không quan tâm lắm dến những công trình dưới thời Cộng Sản Xô Viết, chính phủ Ukraine đã bỏ tiền và công sức rất nhiều để trùng tu, phục chế lại những kiến trúc cổ của Ukraine đã bị thời gian, chiến tranh tàn phá, nhất là sự phá hoại của chế độ Cộng Sản đã từng ngự trị nơi đây có đến hơn 60 năm.
Dnieper River là một con sông lớn từ hướng Bắc chảy xuyên qua Kiev, sông chia thành phố làm hai. Phía bên trái thuận theo dòng sông chảy là một bình nguyên rất rộng được dành cho người dân cư trú, những tòa chung cư cao tầng cũng như những nhà cửa, khu mua sắm, hàng quán được xây dựng dồn tụ về đây. Không có những di tích nào nằm ở đây nên tour du lịch cũng không quan tâm lắm đến các khu vực “phía bên trái dòng sông”. Nhưng ngược lại, phía bên phải sông là những ngọn đồi cao với những tu viện, thánh đường, đại học, bảo tàng, phố cổ và pho tượng Motherland cao lớn đứng sừng sững bên dòng sông Dnieper.
Đáng kể nhất là công trình kiến trúc cổ của các ngôi thánh đường, của các pho tượng cổ cũng như các tòa nhà kiến trúc theo trường phái barrocco còn sót lại sau Đệ Nhị Thế Chiến. Các ngôi tu viện, thánh đường cổ này đều đã được trùng tu lại và là phần đẹp nhất của thủ đô Kiev.
Ukraine là quốc gia mà đa số người dân theo Chính Thống Giáo (Ukrainian Orthodox), vì thế các ngôi thánh đường đều được kiến trúc theo lối Ukrainian Baroque (pha trộn giữa hai trường phái Baroque và Byzantine). Hai trong số các tu viện thánh đường tại Kiev đều nằm trong danh sách di sản thế giới UNESCO. Đó là khu tu viện Kiev Pechersk Lavra và ngôi thánh đường Saint Sophia gần giữa trung tâm phố cổ. Còn phải kể thêm các ngôi nhà thờ như Church of the St. Michael, Church of the St. Andrew, Church of the Vladimir. Mỗi nhà thờ mang một kiến trúc màu sắc khác nhau, làm cho du khách ngẩn ngơ về những nét đẹp của nó mà không thấy nhàm chán dù phải xem nhiều Nhà thờ ở Kiev.
Tu viện Kiev Pechersk Lavra với tháp Bell-tower được UNESCO công nhận. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Kiev Pechersk Lavra là một khu tu viện cổ được xây cất trên ngọn đồi nhìn xuống dòng sông Dnieper. Tu viện bao gồm một tháp chuông lớn (Great Lavra Bell-tower), gồm bốn tầng, cao có đến 60 mét xây theo lối hình khối tròn. Kiến trúc của tháp đi kèm theo kiến trúc của thánh đường Dormition và cổng Gate Pechersk Lavra tạo thành một quần thể nhà thờ “tường trắng tháp vàng” trông rất là nhẹ nhàng thanh cao trong khu vực tu viện. Đặc biệt chỉ có ở đây tôi mới tìm được hình ảnh Đức Mẹ bế Chúa Giê-Su mặc áo choàng và mũ trắng tinh, hình ảnh mà tôi chưa hề thấy ở các ngôi nhà thờ nào khác. Đứng từ xa nhìn về quần thể khu tu viện Kiev Pechersk Lavra người ta mới thấy được cái không gian đẹp lạ lùng của nó.
Còn không gian của khu vực nhà thờ St. Andrew và thì được ngươì ta gọi là “Montmartre của Kiev” để ví như là khu “Montmartre của thành phố Paris.” Dĩ nhiên là chưa có thể bằng Paris nhưng cũng cho du khách một cái nhìn ngắm về một cái nét tương tự như Paris. Nơi đây cũng có người ngồi bán những họa tranh, những món hàng lưu niệm, những hình tượng nổi tiếng trong các bộ phim mà đã từng được quay nơi đây. Một tòa nhà nổi tiếng và được xưng tụng là “Castle of Richard the Lionheart” cũng ngự trị bên dưới chân đồi nhà thờ St. Andrew.
Nhưng nếu bạn quên không đến thăm khu quảng trường St. Sophia & St. Michael thì coi như thiếu đi 1/3 nét đẹp của Kiev. Một pho tượng nguyên soái Bogdan Khmelnytsky của thế kỷ 16 cỡi ngựa oai hùng dựng giữa quảng trường, phía sau là ngôi nhà thờ St. Michael Golden Domed với tường trắng, màu xanh tím nhạt với các chóp tháp vàng nổi bật. Phía trước là tháp chuông bốn tầng Bell-Tower và ngôi nhà thờ St. Sophia với màu sắc tưòng trắng mái xanh lục chóp tháp vàng. Không gian kiến trúc và màu sắc nhẹ nhàng của quảng trường làm dịu hẳn lòng lữ khách đến từ phương xa. Một không gian như thế tưởng chừng ít có thành phố nào so sánh được với Kiev.
Tượng Nguyên Soái Bogdan Khmelnytsky và nhà thờ St. Michael tại quảng trường St. Sophia (Hình: ATNT Tours & Travel)
Rời khỏi quảng trường St. Sophia, đi dọc theo con phố Sofiivska Str. ít phút là du khách lại đặt chân đến một quảng trường nhộn nhịp sầm uất khác. Đó là quảng trường Independence với con phố Kreshchatyk Str. nơi có đủ mọi cửa hàng hiệu nổi tiếng thế giới nằm dọc theo hai bên đường. Ngay giữa quảng trường, dưới lòng đất là một khu shopping Mall được xây cất giống hệt Shopping Mall tại Quảng Trường Đỏ (Red Square) ở Moscow. Nhưng cửa hàng ở đây không có nhiều “hàng hiệu” như ở phía bên trên phố.
Kiev buổi chiều tối mùa Hè vui lên hẳn, mùa Đông ở đây thường đến sớm vào Tháng Mười Hai nên người dân Kiev rất quý mùa Hè cho dù quá nóng. Ngày mùa Hè dài hơn và người ta được rong chơi trên hè phố lâu hơn. Tuy nhiên, đất nước “cách mạng màu cam” vừa mới chuyển sang nền kinh tế thị trường nên Kiev vẫn còn nghèo.
Thuế cho các quán ăn và các dịch vụ, mua sắm lên đến 20%. Một đất nước nghèo, phải sống dưới chế độ Cộng Sản hơn 60 năm, đồng thời cũng chịu nhiều tang tóc lẫn khổ đau vào Đệ Nhị Thế Chiến. Chưa kể đến văn hóa Cộng Sản và tham nhũng len lỏi vào đời sống họ, thế mà họ vẫn có thái độ sống dễ chịu, thân thiện thì kể ra cũng là một điều đáng ngạc nhiên và rất lạ.
Kiev cho người du khách cảm nhận được sự thân thiện khác biệt hẳn giữa người dân Ukraine và Nga. Có lẽ muốn tẩy rửa văn hóa Cộng Sản trong đời sống, người dân Ukraine đã hướng về nền kinh tế thị trường và giá trị dân chủ phương Tây như Ba Lan, Czech, Slovakia, Hungary đã làm. Các đất nước này đã làm cho người dân của họ có đời sống tốt đẹp hơn lúc trước rất nhiều.
Thánh đường Dormition với kiến trúc tường trắng chóp tháp vàng lộng lẫy tuyệt đẹp. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Kiev nói riêng, Ukraine nói chung, bị chính phủ Nga xâm lược hôm 24 Tháng Hai. Trận chiến đang tiếp diễn và chắc chắn sẽ có hồi kết. Những gì để lại sau chiến tranh là sự tàn phá, sự vênh váo trơ trẽn của kẻ thắng và sự chấp nhận của người thua. Nhà nước chuyên chế Liên Bang Nga rõ ràng run sợ trước giá trị dân chủ của nhân loại nên đã không ngần ngại ỷ thế kẻ mạnh để tiến đánh xâm lược tàn phá Ukraine.
Có những thành phố đi qua chỉ để lại trong trí nhớ một chút gì nhẹ nhàng nhưng không sâu đậm, đôi lúc trí nhớ mình lại dễ quên mất đi “cái tên” thành phố mà mình đã đi qua. Nhưng cũng có những thành phố in thật sâu đậm vào trí nhớ về một hình ảnh, một nét văn hóa hay một điều gì đó mà mình chỉ cảm nhận được hơn là diễn giải ra bằng lời nói. Kiev, với tôi, là một trong số đó. (Trần Nguyên Thắng)