Các nước đánh nhau vì rất nhiều lý do — nhưng việc giành được các nhà máy bán dẫn sẽ là lý do đầu tiên.
Đài Loan là trung tâm sản xuất chất bán dẫn của toàn thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng, lý do chính khiến Trung Quốc xâm lược Đài Loan là để chiếm đoạt ngành công nghiệp bán dẫn của quốc đảo này. Một số học giả thậm chí còn cho rằng, Đài Loan có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc bằng cách đe dọa phá hủy các nhà máy bán dẫn của họ, ngay khi có dấu hiệu của một cuộc tấn công từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ thèm muốn Đài Loan ngay cả khi hòn đảo này không có một nhà máy sản xuất chất bán dẫn nào.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, có rất nhiều "lợi ích" trong việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực hoặc bằng cách kiềm chế quốc đảo này và đưa nó vào sự kiểm soát của đại lục.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem tại sao.
Địa hình chiến lược: Phá vỡ Chuỗi đảo đầu tiên
Đài Loan có cái mà những người môi giới bất động sản nói là quan trọng nhất: vị trí, vị trí, vị trí. Vị trí quan trọng lắm.
Đài Loan nằm ở giữa cái gọi là Chuỗi đảo đầu tiên chạy từ Nhật về phía nam qua Đài Loan và Philippines, rồi tiến đến Indonesia và Malaysia. Các quan niệm quốc phòng của Mỹ kêu gọi phòng thủ dọc theo chuỗi đảo đầu tiên.
Nhìn từ Trung Quốc đại lục, Chuỗi đảo đầu tiên là hàng rào ngăn chặn lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc tiếp cận dễ dàng với Thái Bình Dương. Các lực lượng của Trung Quốc cần đi qua một số eo biển hẹp (và dễ dàng được phòng thủ bởi các nước khác), hoặc phải vượt qua lãnh thổ tiềm tàng thù địch.
Vì vậy, chiếm Đài Loan và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ có một căn cứ ở ngay giữa phòng tuyến phía trước của Mỹ (và các đồng minh), vốn đang gây khó khăn cho quân đội Trung Quốc.
Việc kiểm soát Đài Loan cũng như các sân bay và hải cảng của họ sẽ cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tự do đi lại, và mở rộng phạm vi hoạt động sang Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
- Chuỗi đảo đầu tiên (đường màu đỏ tiến đến gần Việt Nam) và Chuỗi đảo thứ hai (đường màu đỏ ở phía xa Việt Nam). (Bản đồ của Bộ Quốc phòng Mỹ)
Ngoài ra, nó sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh trước các nước khác trong khu vực. Đài Loan là một địa điểm tuyệt vời để cắt các tuyến đường biển đi qua Biển Đông — một khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền — nơi phần lớn thương mại của Nhật chảy qua, bao gồm cả năng lượng nhập khẩu quan trọng. Nó cũng sẽ khiến Hàn Quốc dễ bị tấn công hơn.
Bằng cách nắm giữ Đài Loan, Trung Quốc sẽ ở vị thế ngăn cản tàu của các quốc gia khác sử dụng Biển Đông. Trung Quốc thậm chí có thể tính phí hành chính cho đặc quyền đi qua "vùng biển của họ". Trung Quốc cũng có thể mở rộng ồ ạt vùng nhận dạng phòng không của mình, tăng sức mạnh trên không cũng như trên biển.
Ngay cả bây giờ, chính quyền Trung Quốc cũng đang gây áp lực lên các quốc gia có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh ở Biển Đông. Nhưng nếu Bắc Kinh kiểm soát Đài Loan, các nước này sẽ chỉ có thể hoạt động ở Biển Đông với sự cho phép của Trung Quốc.
Trừng phạt Nhật Bản
Sự sụp đổ của Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc dạy cho Nhật một bài học — và điều đó rất quan trọng. Người ta có thể thấy điều đó đang diễn ra ở Biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật — những hòn đảo mà Trung Quốc (và Đài Loan) tuyên bố chủ quyền. Kể từ năm 2012, các tàu hải quân và tuần duyên của Trung Quốc đã dần tăng cường hiện diện tại khu vực này. Các lực lượng của Nhật đã đáp trả các cuộc xâm nhập của Trung Quốc, nhưng chưa nổ súng.
Tuy nhiên, lực lượng hải quân và không quân Nhật ngày càng bị áp đảo, khi tàu và máy bay Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn, với số lượng nhiều hơn và trong thời gian dài hơn. Nhật đang giữ vững, và cũng đang triển khai các đơn vị tên lửa chống hạm, và hệ thống phòng không của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đến Nansei Shoto (quần đảo Ryukyu) để củng cố tuyến phòng thủ phía nam của họ.
- Một đội 20 thuyền chở các nhà hoạt động và nhà lập pháp, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản, đến một nhóm các đảo tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc, 19/08/2012. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã giương cờ Nhật Bản trên đảo, trong một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. (Antoine Bouthier / AFP / Getty Images)
Nhật Bản cuối cùng cũng cho thấy dấu hiệu hợp tác với lực lượng của Mỹ, để bảo vệ lãnh thổ phía nam của mình, nhưng đã muộn.
Với Đài Loan trong tay, Trung Quốc sẽ vượt qua một cách hiệu quả các tuyến phòng thủ của Nhật ở Nansei Shoto, và sẽ có vị trí thống trị Biển Hoa Đông và chiếm lãnh thổ biển và hải đảo của Nhật.
Và một khi các tàu ngầm, tàu, và máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu hoạt động thường xuyên ở phía đông các đảo chính của Nhật, thì lần đầu tiên kể từ năm 1945, Nhật cũng sẽ cần phải bảo vệ những cửa ngõ phía đông của mình.
Tất cả những điều này sẽ làm hạn chế khả năng hoạt động của các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Xâm nhập và thống trị, Chuỗi đảo thứ hai và còn hơn thế nữa
Trung Quốc không chỉ thèm muốn phía đông; họ đang muốn có cả phía nam và đông nam nữa.
Từ Đài Loan, với một số nỗ lực, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể trồi lên tại trung tâm "lớp thứ hai" của phòng tuyến Mỹ ở Trung Thái Bình Dương — và thậm chí còn có thể lấn vào Tây Nam và Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc hiện tại không có bất kỳ căn cứ quân sự hay lối vào nào trong khu vực này, và mới chỉ thực hiện những bước tiến quân sự khiêm tốn vào đó.
Nhưng Bắc Kinh đã đặt nền móng với 30 năm chiến tranh chính trị, xâm nhập kinh tế và thương mại, và sự hiện diện thực tế, bao gồm cả trên phạm vi các vùng biển và cảng thông qua các đội tàu cá và thương mại của họ. Và, đồng thời, bôi trơn con đường thông qua việc nắm giữ giới tinh hoa.
Chẳng bao lâu, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ có các căn cứ trong khu vực Trung Thái Bình Dương. Việc quân đội của Trung Quốc có thể ra vào khu vực này sẽ mang đến cho nước này các phương án gây sức ép với các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Úc.
- Một tàu ngầm hạt nhân Long March 15, loại 094, lớp Jin, của Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh hải quân ở vùng biển gần Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, 23/04/2019. (Mark Schiefelnein / AFP, qua Getty Images)
Các căn cứ hoặc lối vào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể đe dọa các lực lượng và cơ sở của Mỹ tại khu vực này. Nhưng sự quan tâm của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở giữa Thái Bình Dương. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đang chuẩn bị hoạt động xa hơn về phía đông Hawaii, ngoài khơi Bờ Tây của Mỹ, khi mà Trung Quốc đang tích cực phát triển các mối quan hệ và "tuyến vận tải biển" đến Bờ Tây của Trung và Nam Mỹ.
Phá hủy lớp bảo vệ của Mỹ
Bất chấp sự bành trướng quân sự ngoạn mục của Trung Quốc trong 30 năm qua, một số nước trong khu vực (và nhiều nơi ở Mỹ) vẫn có thể tin rằng, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu và có thể bảo vệ chính mình và bạn bè của mình. Và có một niềm tin ngầm rằng, Mỹ sẽ cứu Đài Loan.
Nhưng nếu Đài Loan rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), toàn bộ bàn cờ sẽ thay đổi. Bắc Kinh sẽ chứng tỏ rằng, chỉ một mình họ có đủ sức mạnh và ý chí để thống trị châu Á.
Hãy xem xét những gì một quốc gia trong khu vực này sẽ thấy quanh mình, sau khi Đài Loan sụp đổ. Quân đội của Trung Quốc dường như sẽ ở khắp mọi nơi — bao gồm cả xuất hiện hỗ trợ các đội tàu đánh cá và dân quân hàng hải khổng lồ của Trung Quốc. Sẽ đáng sợ đấy.
Sự sụp đổ của Đài Loan sẽ để lại ấn tượng nhức nhối đối với tất cả các quốc gia trong khu vực (thậm chí cả Triều Tiên):
- Quân đội Mỹ — vốn được ca ngợi — hóa ra lại không thể hoặc không thèm ngăn cản Bắc Kinh.
- Nỗi lo bị trả đũa về kinh tế và tài chính không ngăn được Bắc Kinh.
- Ngay cả nỗi sợ hãi về vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng không ngăn được Bắc Kinh.
- Mỹ và các đồng minh không thể ngăn Bắc Kinh chiếm đoạt — bằng vũ lực hoặc qua sự bắt nạt — một Đài Loan dân chủ, độc lập, thân thiện với Mỹ, cũng như không thể ngăn cản Bắc Kinh khuất phục 24 triệu công dân của quốc đảo này.
Và nếu Mỹ không thể ngăn chặn ĐCSTQ, thì ai có thể? Hoặc ai sẽ làm chứ?
Nhưng có thể cú sốc về việc Đài Loan sụp đổ sẽ tập trung tâm trí và thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau hơn và/hoặc xích lại Mỹ hơn để tự vệ? Có lẽ thế.
Mặc dù có nhiều khả năng hơn là, bằng chứng cụ thể và sát sườn về sức mạnh của Trung Quốc sẽ khiến các nước trong khu vực tiến đến thỏa thuận tốt nhất có thể với Trung Quốc, với hy vọng được yên chừng nào hay chừng ấy, hoặc không bị Bắc Kinh đối xử quá khắc nghiệt là được rồi.
Phần lớn châu Á sẽ nhanh chóng đi theo chủ nghĩa cộng sản
Nhật và Úc có thể cầm cự, nhưng họ sẽ rung chuyển, và mức độ tuân thủ Trung Quốc sẽ trở thành một vấn đề thường xuyên — được thúc đẩy bởi chiến tranh chính trị được Trung Quốc tài trợ mạnh mẽ. Và Ấn Độ có thể xác định rằng, họ cần những người bạn mới.
Bên ngoài Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mọi quốc gia khác cũng sẽ lưu ý đến vấn đề này.
Vì vậy, nếu việc chiếm Đài Loan cho phép Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi châu Á, và đánh bật nước này khỏi vị trí quốc gia hàng đầu thế giới, thì Tập Cận Bình có thể rất muốn trả bất cứ giá nào. Hãy nhớ rằng, đây là một nhà lãnh đạo đã được chứng minh là sẵn sàng làm những điều mà người Mỹ có thể cho là tự gây ra vết thương kinh tế phi lý. Hãy nghĩ về những gì đã xảy ra với Hồng Kông hoặc Jack Ma — hãy xem những gì Bắc Kinh đã làm nếu họ đánh giá rằng, việc ấy sẽ có lợi cho vị thế của chính họ.
Nhìn vào những lợi ích trên, thì chất bán dẫn không quan trọng lắm trong bài toán này.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả bài bình luận Grant Newsham là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, đồng thời là một cựu quan chức ngoại giao và từng là một nhà điều hành doanh nghiệp. Ông đã sống và làm việc nhiều năm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông từng là trưởng ban tình báo dự bị của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và hai lần là tùy viên Thủy quân lục chiến Mỹ ở Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo. Ông là thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách An ninh.
Cao Dương
Theo The Epoch Times