Tìm hiểu thêm về bảo vệ tài sản bằng tín mục

17 tháng 02 năm 2022
Julie Nguyen
Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra, Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website:www.lylylaw.com Luật Sư LyLy Nguyễn

Tín mục ủy thác (trusts-gọi tắt là tín mục) được dùng rất thông dụng trong kế hoạch bảo vệ tài sản ngoài mục đích quản trị để sinh lợi cho thân nhân thụ hưởng và để lại cho thừa kế khi qua đời. Tuy nhiên, muốn đạt được khả năng bảo vệ tài sản cần phải chú trọng đến những yếu tố kể sau.

Thông thường, ngay khi mới lập tín mục, người cấp (grantor – là người chủ tài sản nguyên thủy) đảm trách chức vụ tín viên (trustee) đầu tiên nhưng rồi phải ủy nhiệm người khác làm tín viên mới để thay thế mình đứng ra quản trị tài sản. Điều này rất quan trọng trong việc giữ tài sản được che chở khi bị thưa kiện. Vì vậy, sau khi hoàn tất thủ tục lập tín mục thì nên chỉ định tín viên càng sớm càng tốt, tránh tình trạng chính mình ủy thác cho mình khiến kẻ thắng kiện có cơ hội vớ được con nợ là kẻ có của.

Biết cách bảo vệ tài sản, nhà cửa bằng tín mục đúng luật rất có lợi cho gia chủ. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images).

Như vậy, muốn tín mục có khả năng bảo vệ tài sản tốt hơn hết không nên đứng làm tín viên, hoặc tín viên phụ (co-trustee). Ngay lúc vừa lập hợp đồng thiết lập tín mục (trust agreement – gọi tắt là hợp đồng), nếu chưa kịp chỉ định tín viên mới cần phải duyệt lại mọi điều khoản, đừng để quyền hạn của chính mình quá rộng khiến lợi điểm che chở tài sản bị yếu đi.

Thí dụ, cha mẹ khi để lại của cải cho con nên lưu ý tạo lợi điểm bảo vệ tài sản cho người con ấy, do đó cần sửa di chúc đặt di sản vào tín mục cho con suốt đời. Như vậy người con sẽ được hưởng trọn vẹn phúc lợi do di sản ấy sinh ra, nhưng không bao giờ sợ bị mất đi do kiện tụng hay bồi thường liên đới, vì trên pháp lý tài sản ấy do tín mục quản trị chứ không nằm trong tay người con. Đó là lý do tại sao cần phải ủy nhiệm tín viên để quản trị tài sản tín mục chứ không giữ trong tay người cấp, tức là sở hữu chủ thực sự.

Để đạt được mục tiêu bảo vệ tài sản trong hợp đồng tín mục, cần ấn định tiêu chuẩn cấp phát tiền giúp người thụ hưởng duy trì cuộc sống như nhà ở, ăn uống, y tế… cùng mọi nhu cầu thiết yếu khác, nên đôi khi còn gọi là tín mục trợ cấp (support trust). Đúng ra đây là tiêu chuẩn hạn chế (restricted standard) đặt ra để giúp tín viên né tránh được nỗ lực của chủ nợ hay người kiện toan chiếm lấy phần tiền chia ngoài tiêu chuẩn hạn chế này.

Cách che chở tài sản tốt nhất là nên ủy thác tín viên độc lập. Thí dụ như ngân hàng đứng quản trị tín mục và ấn định thẩm quyền rộng rãi để tín viên có thể tự ý quyết định việc phân chia hay lưu giữ tài sản, miễn sao đem lại lợi ích cho người thụ hưởng.

Muốn được hữu hiệu, điều cần là phải ủy thác cho tín viên toàn quyền quyết định phân chia lợi tức, đồng thời đầu tư tài sản trong tín mục để sinh lợi, miễn sao đem lại phúc lợi cho người thụ hưởng.

Trường hợp người cấp hay người hôn phối đứng làm tín viên phụ, muốn tài sản tín mục được che chở thì trong hợp đồng phải ấn định rõ điều khoản đứng ngoài không liên quan đến việc phân chia hay rút tiền bạc, chỉ tín viên độc lập được ủy thác quyền cấp phát tiền bạc mà thôi.

Ngoài ra, nên chỉ định nhiều người thụ hưởng để phân tán hiểm họa mất của, thay vì chỉ có một người thụ hưởng khi bị kiện sẽ bị mất trọn gói. Biện pháp này khi thi hành chung với việc ủy nhiệm tín viên toàn quyền quyết định phân phối tiền bạc, sẽ có tác dụng bảo vệ tài sản chặt chẽ khiến kẻ thắng kiện khó nắm được sơ hở. Bên cạnh đó, tín mục nên ấn định điều kiện chế tài quyền lợi của người thụ hưởng trường hợp xảy ra biến cố khởi động (trigger events) là sự việc xảy ra gây nguyên cớ nguy hại cho tài sản như bị thưa kiện chẳng hạn. Điều khoản này được đặt ra có tác dụng như điều kiện tiên quyết trong việc cấp tiền bạc cho người thụ hưởng, thí dụ hợp đồng có điều khoản không phát tiền nếu người thụ hưởng bị đòi nợ hoặc chưa tới tuổi thành niên, tới khi vấn đề được giải quyết xong thì mới phát.

Trên ngôn từ pháp luật, mọi tín mục có mục tiêu bảo vệ tài sản nên để tín viên quyền cấp tiền bạc gián tiếp “cho phúc lợi của người thụ hưởng,” (for the benefit of the beneficiary) chứ không đơn thuần trả trực tiếp “cho người thụ hưởng” (for the beneficiary). Nếu trả trực tiếp thì người thụ hưởng khi thua kiện có thể bị xiết số tiền được cấp, thay vào đó tín viên gián tiếp đài thọ mọi chi phí giúp người thụ hưởng sinh sống thì chủ nợ hay kẻ thắng kiện không ai đụng tới được các khoản tiền này cả.

Tín viên có quyền mua tài sản để gây lợi cho người thụ hưởng. Thay vì xuất tiền ra cho người thụ hưởng mua nhà đất, xe cộ, tàu thuyền hay bất cứ món tài sản lớn nào, thì tín viên được ủy nhiệm mua món tài sản đó đặt dưới sự quản trị của tín mục nhưng cho phép người thụ hưởng dùng. Như vậy, tài sản đó theo luật pháp là của tín mục, dù trên thực tế người thụ hưởng nắm giữ và hưởng dụng vì thế món tài sản này được hoàn toàn che chở trong mọi trường hợp, không sợ bị ai đụng chạm tới. Đồng thời, hợp đồng cũng cần ủy thác tín viên quyền xuất tiền trả cho các chi phí liên hệ tới món tài sản mới mua đó như tiền sửa nhà, trong khi người thụ hưởng được cư ngụ không phải trả tiền thuê, đồng thời miễn trách nhiệm cho tín viên nếu không chứng minh được là tài sản đầu tư.

Giới hạn quyền chỉ định người thụ hưởng (power of appointment) là một cách khác giữ gìn tài sản. Thông thường, người thụ hưởng theo luật có quyền chỉ định thừa kế cho hưởng lại những gì người ấy được tín mục ban cấp lúc còn sống. Trên khía cạnh bảo vệ tài sản, quyền chỉ định thừa kế là một yếu điểm, vì khi người thụ hưởng qua đời nếu tài sản ấy chuyển cho người khác, thì đương nhiên cũng có thể bị chủ nợ xiết lấy, cho nên nhiều trường hợp tài sản bị mất đi trước khi đến tay người tiếp tục thừa kế. Để tránh nguy cơ này, tốt hơn hết không cho quyền chỉ định kế thừa hoặc chỉ giới hạn một vài thành phần rõ ràng và có điều kiện.

Hợp đồng lập tín mục cũng cần có điều khoản cấm người thụ hưởng sang nhượng tài sản cho chủ nợ (spendthrift provision). Theo điều khoản này, nguời thụ hưởng không được quyền sang chuyển, thanh toán, ủy nhiệm hay gán nợ bất cứ phần lợi tức hay vốn liếng của tài sản đặt trong tín mục với mục đích trả nợ. Đồng thời, cũng phải tuyên bố rõ các khoản lợi tức hay vốn liếng trong tín mục không có trách nhiệm liên đới (liable) đối với tất cả kiện thưa hay khiếu nại của mọi nguồn tài trợ hay chủ nợ.

Tuy nhiên, luật cấm người thụ hưởng sang nhượng cho chủ nợ có nhiều khác biệt tùy theo luật từng tiểu bang. Do đó, cần phải thảo luận với luật sư chuyên môn để xác định luật tiểu bang nào chi phối tín mục. Bất luận luật tiểu bang ảnh hưởng ra sao, một khi tiền bạc đã phân phối về tay người thụ hưởng rồi, thì luật này không còn hiệu lực nữa, có nghĩa là người thụ hưởng sau khi nhận tiền vào tay rồi thì có toàn quyền sử dụng tiền ấy trong việc chi tiêu hoặc trả nợ hay cho bất cứ ai. Vì thế, tín mục càng có thời hạn lâu dài bao nhiêu và quyền hạn ủy nhiệm cho tín viên tự quyết định trong việc chi tiền càng lớn, thì tài sản đặt trong tín mục càng được an toàn bấy nhiêu.

Dĩ nhiên, tín mục cũng có những hạn chế trong lãnh vực bảo vệ tài sản. Trước hết là điều khoản “chi dụng cho những cần thiết” (‘provision of necessities’). Thí dụ, một trẻ vị thành niên là người thụ hưởng của một tín mục có điều khoản “spendthrift provision” đề cập ở trên theo đó cha mẹ ủy thác cho tín viên độc lập là một ngân hàng đứng quản trị tài sản có quyền tự quyết định tuyệt đối. Người thiếu niên giao kết với đệ tam nhân là một dịch vụ y khoa cung cấp nhu cầu y tế cần thiết. Dĩ nhiên, thiếu niên không có tiền trả và dịch vụ y khoa cung ứng cho thiếu niên trên căn bản tin tưởng (good faith).

Trong trường hợp này, tín mục không áp dụng điều khoản “spendthrift provision,” được mà vẫn phải thanh toán cho dịch vụ đã cung cấp nhu cầu cần thiết cho người thiếu niên. Tiếp đến là nợ thuế, IRS có quyền hạn mạnh hơn các chủ nợ khác trong việc cưỡng bách tín mục phải trả nợ thuế.

Một giới hạn khác là luật “sang nhượng bất chính” (fraudulent conveyance) sẽ vô hiệu hóa sự che chở nếu tài sản chuyển vào tín mục lúc đầu nếu có bằng chứng vi phạm các điều khoản sang nhượng bất hợp pháp. Sau hết tùy theo luật từng tiểu bang và tùy theo nội vụ tài sản đặt trong tín mục vẫn phải chịu trách nhiệm trả cho các khiếu nại tiền cấp dưỡng (alimony) hay tiền nuôi con (child support).

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information), giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531- 7080; website: www.lylylaw.com



Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Julie Nguyen



Julie Nguyen

16-01-2022


Chủ đề