Ước hẹn hôn nhân: Giữ vững tâm nguyện đón nhận kỳ duyên
18 tháng 02 năm 2022Julie Nguyen
- Văn hóa 364
Câu chuyện kỳ nữ tự nguyện gả cho người tàn tật
Thời nhà Thanh, Trung Quốc, Huyện lệnh họ Dư huyện Nam Phong (phía Nam thành phố Phủ Châu, phía đông tỉnh Giang Tây ngày nay) là người Quảng Tây, vợ đã chết, chỉ có một người con trai. Người đời sau không biết tên cậu con trai này, nên chỉ gọi là Dư Nam.
Dư Nam từ nhỏ đã mắc bệnh bại liệt, đi lại cần có người giúp đỡ. Năm đó Dư Nam 20 tuổi, Huyện lệnh Dư đi khắp nơi tìm người mai mối, nhưng không có gia đình nào muốn gả con gái của mình cho chàng trai tàn tật. Đồng hương có viên quan chờ bổ nhiệm, cô con gái duy nhất của ông ấy nghe được chuyện này đã chủ động thỉnh cầu được gả cho Dư Nam. Ý nguyện của cô rất kiên định, phụ thân khuyên can thế nào cũng không được. Thế là cuối cùng, Huyện lệnh Dư sắm sính lễ đến nhà cô gái.
Một năm sau
Huyện lệnh Dư do xử án sai lầm nên bị trừng phạt, bị điều đi trấn thủ ở Tân Cương. Dư Nam do tàn tật nên không thể đi cùng được, nên Huyện lệnh Dư đã gửi con trai sang nhà nhạc phụ. Nhạc mẫu đã sớm qua đời, nam nữ chưa cưới ở một nhà không đúng lễ, nên hai nhà đã mau chóng làm lễ cưới cho hai người.
Chưa đầy nửa năm, nhạc phụ cũng qua đời. Gia cảnh trong nhà ngày càng tiêu điều, thiếu thốn tiền của vật dụng, và cũng không có tích lũy gì, đến cái ăn cũng đã thành vấn đề lớn. Vợ của Dư Nam đem những sách tướng mệnh, chiêm bói, thuật số mà phụ thân để lại đưa cho Dư Nam nghiên cứu, còn bản thân cô thì làm những việc may vá duy trì cuộc sống.
Sau một thời gian, Dư Nam đã học thông chiêm tinh, toán mệnh, thuật số, bắt đầu hành nghề trước cổng nhà để mưu sinh. Hằng ngày lúc sáng sớm, vợ Dư Nam bế anh ra cổng, đặt anh ngồi trước chiếc bàn để anh xem bói toán mệnh cho mọi người. Khi đã kiếm đủ tiền sinh hoạt cho một ngày, hai vợ chồng thu dọn quần và đóng cổng. Khi mới toán mệnh, mỗi người anh chỉ thu mấy chục xu (mấy hào), sau này, sau khi toán mệnh chuẩn xác cho nhiều người rồi, anh thu 100 xu (1 đồng) một người. Vợ Dư Nam giỏi kinh doanh và tích trữ, thu nhập của hai vợ chồng cũng khá lên, dần dần xây thêm được nhà và thuê người hầu, và còn sinh được mấy người con trai, sống khá sung túc.
Đến ngày đó, anh sai người hầu đến quán trọ nghênh đón phụ thân. (Ảnh: Tổng hợp)
Hai mươi năm sau
Họ Dư chịu tội đi trấn thủ Tân Cương, một ngày nọ, ông vui mừng nhận tin được hoàng thượng đại xá, cuối cùng cũng đã được trở về quê hương. Trong lòng ông nhớ thương người con trai, nên trước tiên muốn tìm đến con, rồi đưa con về quê nhà ở Quảng Tây. Thế là, họ Dư trở về Dự Chương (tên ban đầu của tỉnh Giang Tây), nơi ở của gia đình nhạc phụ Dư Nam, nhưng không ai biết tông tích con trai họ Dư. Thế là họ Dư muốn tìm một quán trọ lưu lại, rồi đi tìm con trai.
Vào trú quán trọ, ông chủ nói với họ Dư rằng: “Ông Dư à, có người đợi ông ở đây đã nửa ngày rồi”.
Họ Dư ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chỉ thấy người đang chờ đợi ông trông có vẻ là một người hầu.
Người đó nói với ông rằng: “Lão gia đã đến rồi, thiếu gia sai tôi đến đây nghênh đón lão gia”.
Thì ra, Dư Nam thông qua thuật số chiêm bói, đã tính ra ngày phụ thân trở về. Thế là trước tiên anh sai người nhà sửa chữa phòng ốc, may y phục, chuẩn bị đón tiếp phụ thân trở về. Đến ngày đó, anh sai người hầu đến quán trọ nghênh đón phụ thân. Tất cả những gì xảy ra quả nhiên đúng như những gì anh đã chiêm bói, tính toán ra.
Ban đầu, khi họ Dư bị điều đi Tân Cương, trong lòng luôn lo lắng không biết con trai sống chết ra sao, chứ không thể nào nghĩ rằng con trai lại có thể tự lập, con dâu giỏi quản lý gia đình, các cháu quân quần xung quanh, gia đình hòa thuận hạnh phúc. Thế là ông quyết định ở lại Giang Tây an cư lạc nghiệp, không còn ý nghĩ trở về quê nữa.
Diêu Hùng hứa hôn: Lời hứa ngàn vàng
Võ tướng Diêu Hùng (tự Dật Phu) sống vào cuối thời kỳ Bắc Tống, khi mới được bổ nhiệm làm tướng, ông và một tướng lĩnh trấn thủ biên tái nghị định hôn sự, kết thông gia, đính hôn cho con gái.
Nhân sinh vô thường, tướng trấn thủ biên tái đột nhiên chết, vợ và con trai của ông ta đều lưu lạc góc biển chân trời, không biết đi nơi nào. Nhà Diêu Hùng vẫn luôn đợi chờ nhà trai trở về định ngày thành hôn, cứ đợi, đợi mãi, mà chẳng thấy người đâu. Việc hôn nhân cũng cứ thế treo mãi.
Sau này, triều đình bổ nhiệm Diêu Hùng làm chủ soái trấn thủ biên cương. Một lần, Diêu Hùng trở về kinh sư tấu kế sách lớn, ông gọi một phụ nữ có tuổi đến giúp ông giặt giũ. Trong khi trò chuyện, Diêu Hùng cảm thấy người phụ nữ này có gia phong của gia đình sĩ phu, chứ không phải người phụ nữ nông thôn bình thường. Thế là ông hỏi xuất thân của người phụ nữ đó.
Người phụ nữ nói: “Trước kia, chồng tôi làm quan trấn thủ biên tái, có một vị tướng họ Diêu đã hứa hôn con gái ông với con trai tôi. Giờ đây, chồng tôi đã chết rồi, cuộc sống không cách nào duy trì được, con trai tôi phải đi bán bánh để duy trì sinh kế”.
Người phụ nữ nói: “Chúng tôi phiêu bạt tha hương, khốn cùng thất ý, cuộc sống khó khăn, tôi cũng đã không nhớ đến hôn ước nữa rồi”.
Diêu Hùng nói: “Tôi chính là Diêu Hùng. Từ khi tôi hứa gả con gái tôi cho nhà bà, thì tôi đã không chấp nhận bất kỳ mai mối của nhà nào khác nữa rồi. Ngày ngày tôi mong đợi con rể trở về làm hôn lễ. Sao có thể vì phụ thân của con rể chết mà hủy hôn ước được?”
Người phụ nữ nghe xong thì nước mắt giàn giụa, khóc không thành tiếng, mãi không nói nên lời.
Thế là Diêu Hùng ở lại nhà người phụ nữ có tuổi đó, và tìm con trai bà, cho anh ta thay y phục. Sau đó, ông đưa cả hai mẹ con đến nơi ông trấn thủ. Ngay sau đó, đèn hoa chiêng trống chuẩn bị hôn lễ. Cuối cùng hai người con của hai viên tướng cũng đã hoàn thành hôn nhân đại sự như ước hẹn của hai người xưa kia.
Hôn nhân là cái duyên, là thành tín, thiếu đi bất cứ cái nào cũng không được. Người xưa lời hứa ngàn vàng, thành tâm giữ gìn lời hứa, giữ gìn tâm nguyện, chăm lo viết lên những trang hạnh phúc lứa đôi. Dốc sức không sợ khó khăn gian khổ, nên cuối cùng được ông Trời ban cho quả ngọt hạnh phúc.
Trung Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes