Thuế và nghiệp vụ khi tiểu thương qua đời
17 tháng 02 năm 2022Julie Nguyen
- Pháp luật 364
Cái chết của một tiểu thương gia sẽ “bật đèn xanh” cho sở thuế IRS đánh vào của cải để lại, khiến thân nhân người ấy phải quyết định dứt khoát hoặc giữ lại nghiệp vụ hoặc bán đi. Có một phương cách tốt nhất để tránh hay giảm thiểu thuế đối với những tài sản lớn là đem cho con cháu dưới hình thức tặng phẩm (gift).
Luật pháp Hoa Kỳ ấn định, một cá nhân hàng năm được quyền tùy tiện cho đi một phần tài sản trị giá $16,000 không thuế cho mỗi đầu người mà không hạn chế số người nhận. Nếu là vợ chồng thành hôn thì tính gấp đôi, có nghĩa là tặng phẩm miễn thuế tối đa $32,000 hàng năm cho mỗi người thụ hưởng.
Một cá nhân hàng năm được quyền tùy tiện cho đi một phần tài sản trị giá $16,000 không thuế cho mỗi đầu người mà không hạn chế số người nhận. (Hình: Matt Cardy/Getty Images)
Thí dụ, ông bà Kim là một tiểu thương gia có ba người con và bảy đứa cháu nội- ngoại. Mỗi năm, ông bà có thể tặng miễn thuế cho các con mỗi người $32,000 và bỏ vào tín mục cho mỗi đứa cháu $32,000, tổng cộng thành $320,000 tính ra sẽ giảm được một món tiền thuế khổng lồ. Dĩ nhiên, trong suốt đời ông Kim cũng có quyền sang chuyển ra ngoài bớt một phần tài sản nghiệp để làm cho giá trị công ty nhỏ đi mà bớt thuế. Nếu lo đám cháu nội-ngoại còn quá nhỏ tuổi, chưa biết nắm giữ tiền một cách khôn ngoan thì ông bà Kim sẽ gửi số tiền tặng đó vào tín mục cho các cháu.
Theo luật thuế tài sản, có rất nhiều điều khoản cho miễn hay giảm thuế cho tiểu thương. Do đó, nên nhờ các chuyên gia về thuế hướng dẫn để không bỏ sót quyền lợi. Bí quyết nằm ở bộ luật thuế do Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn và ban hành vào năm 1997. Luật này đã đem lại nhiều lợi điểm đặc biệt bớt thuế tài sản cho các nghiệp vụ do gia đình điều hành, tuy nhiên có khoản không áp dụng cho nghiệp vụ không của gia đình. Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt, thuế tài sản có thể được hoãn một thời gian dài, có khi lâu tới 15 năm và hàng tháng người nợ thuế được trả dần với lãi suất đồng niên rất nhẹ chỉ có 2% mà thôi. Dĩ nhiên,muốn được hưởng đặc miễn về thuế tài sản như đã nêu trên phải hội đủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn phức tạp và đây là một phần quan trọng trong kế hoạch dự trù tài sản cần được luật sư chuyên môn hướng dẫn tường tận.
Đôi khi gia đình của tiểu thương gia không muốn tiếp tục nối nghiệp sau ngày chủ nhân mệnh chung. Vấn đề sẽ trở thành rối rắm nếu quyết định trao lại quyền sở hữu cho người không phải là thừa kế theo di chúc hoặc tín mục.
Nếu quyết ý như vậy, thì nên dùng hình thức tổ hợp hùn hạp cho người ngoài vào hùn và giao nhiệm vụ đứng ra cai quản, điều hành hoạt động của tổ hợp. Thủ tục pháp lý thông dụng trong việc sang chuyển chủ quyền một nghiệp vụ khi người chủ mệnh chung là lập bản “giao ước mua-bán” (buy-sell agreement). Nội dung giao ước này ấn định cho hai đối tác hùn hạp (partners), nếu có người nào qua đời thì người kia sẽ mua lại phần của người vừa chết. Sự kiện này sẽ giúp cho nghiệp vụ duy trì được hoạt động điều hòa, cơ sở vẫn cùng người cũ điều khiển chỉ một điều khác chủ nhân nay còn lại một người.
Bản “giao ước mua-bán” có thỏa thuận trước rằng, khi một trong hai người hùn hạp có kẻ chết đi thì kẻ còn lại sẽ mua lại tất cả phần hùn của người chết, rồi trả tiền cho thân nhân người ấy. Để tránh cho công ty không bị thiếu vốn, thường thì lấy tiền đền của bảo hiểm nhân thọ dùng tài trợ mua lại phần nghiệp vụ. Điển hình lúc mới bắt đầu làm ăn chung, cả hai người hùn hạp cùng mua bảo hiểm nhân thọ cho lẫn nhau nên bất cứ người nào chết trước cũng có tiền đền của bảo hiểm dùng để trả cho thân nhân người quá cố. Ngược lại, đổi lấy phần hùn của người chết. Có hai cách chính dàn dựng giao ước này.
Thứ nhất là phương thức “mua cơ sở” (entity purchase): Cho phép tổ hợp đứng ra mua bảo hiểm nhân thọ cho cả hai người chủ, và nếu người nào chết trước thì tổ hợp dùng tiền bảo hiểm đền mua lại phần hùn của người này trả cho thân nhânngười chết.
Thứ hai là phương thức “mua chéo” (cross purchase): Cá nhân mỗi người chủ tự mua bảo hiểm nhân thọ đặt trên mạng sống người kia. Khi người nào chết trước, thì lấy tiền đền bảo hiểm trả cho thân nhân thay thế cho phần hùn của người ấy trong tổ hợp. Mặc dù loại thứ nhất nghe ra có vẻ giản dị hơn, nhưng loại thứ hai được lợi điểm về thuế, vì theo cách trước thì số tiền đền bảo hiểm vì do tổ hợpmua nên phải cộng thêm vào vốn khiến giá trị tổ hợp cao hơn, nên dễ bị đánh thuế cao. Nên tham khảo với luật sư chuyên môn để cân nhắc cách nào thích hợp.
Bản “giao ước mua-bán” cần được duyệt xét kỹ, để chắc chắn mọi điều khoản quy định đem lại kết quả rõ ràng trong mọi tình huống như đã ước tính. Nên duyệt lại hàng năm, nhất là mỗi khi có thay đổi quan trọng nào về luật hay có thay đổi trong nội bộ tổ hợp. Nội dung bản “giao ước mua-bán” có thể tùy tiện viết sao cho thích hợp với nhu cầu hoạt động nghiệp vụ, chứ không cần dựa theo bất cứ một mẫu mực nào.
Những điều khoản quan trọng sau đây cần viết trong bản “giao ước mua-bán”:
“Điều khoản rút lui” (force-out provisions) – Điều khoản này cho phép một trong hai chủ hùn hạp lúc đang sống có quyền mua lại phần của người kia. Theo điều khoản này, bất cứ ai trong hai người đều có quyền đưa ra đề nghị ướm mua lại phần của người nọ. Người đề nghị dĩ nhiên phải đưa ra một giá muốn trả. Người được dạm mua có thể hoặc chấp nhận bán lại phần của mình theo giá đó hoặc dạm mua ngược lại phần của người đề nghị. Điều khoản này có tính cách bảo đảm cho cả hai bên một giá cả công bình và sòng phẳng, dĩ nhiên với điều kiện cả hai chủ đều phải có khả năng tài chánh tương đương trong cuộc thương lượng này.
“Điều khoản ưu tiên từ chối” (Right-of-first-refusal provision) – Bản “giao ước mua-bán” có thể ấn định giản dị rằng, trong trường hợp một người chủ hùn qua đời, người còn lại có quyền ưu tiên từ khước không mua lại phần của người chết. Thông thường, điều khoản này có định một giá cả rõ ràng nào đó để bất cứ ai muốn cũng có thể mua được, với điều kiện trả một lần bằng tiền mặt hoặc trả góp làm nhiều năm theo lãi suất định trước.
Trong trường hợp bán trả góp, phải nêu rõ điều kiện về thế chấp cũng như tiền đặt cọc, vì giá cả và cách tính giá đều là những mục rất quan trọng cho cả hai bên mua và bán cơ sở nghiệp vụ. Cả hai “điều khoản mua-bán” và “điều khoản rút ra bắt buộc” không những chỉ áp dụng với cái chết của chủ hùn hạp, mà còn có hiệu lực ngay cả trong trường hợp một trong hai người bị bệnh hoạn hay tai nạn đưa đến tình trạng tàn phế, mất khả năng tâm thần hay thể chất, muốn bán cho người khác, về hưu, phá sản, hoặc mất việc.
Những thương gia nào muốn nghiệp vụ do gia đình tiếp nối đến các thế hệ sau, con cháu được có công ăn việc làm và hưởng thụ lâu dài kết quả phát đạt, thịnh vượng từ đời này sang đời khác, thì cần lưu ý nhất đến việc soạn thảo bản “giao
ước mua-bán” một cách cẩn thận sao cho sau này tránh được bất đồng hay chia rẽtrong nội bộ gia đình hay dòng họ.
Một biến thái của “điều khoản ưu tiên từ chối” là ấn định cho chi phái chính trong gia đình có cơ hội ưu tiên nắm chủ quyền nghiệp vụ, trước khi đem bán ra cho người ngoài hay bán cho chi phái phụ hệ khác (các dòng anh chị em họ). Điều này tối quan trọng khi vấn đề quyền hạn điều hành giữa các chi phái trong gia đình san sẻ không đều, dễ sinh ra bất công hay bất mãn. Hiển nhiên, những vấn để này phải được nêu ra trong giao ước rõ ràng để tránh tranh cãi về sau.
“Điều khoản bắt buộc mua” (mandatory-purchase provisions) – Trường hợp con cháu thừa kế người quá cố chắc chắn muốn bán đi, thì tổ hợp phải mua nếu không sẽ bán phần hùn đó cho một công ty hay một thương gia khác. Điều khoản này rất quan trọng cho cả hai bên, vì khi các chi tiết có ghi trong “giao ước mua-bán” thì việc thi hành sẽ tự động. Do đó, trong mọi lúc khó khăn sẽ không xảy ra vấn đề phải quan tâm lo lắng, xung đột hay thương lượng gì nữa. Tất nhiên, “điều khoản bắt buộc mua” áp dụng ngoài cái chết của người chủ hùn hạp còn hiệu lực với các tình huống khác như về hưu hoặc tàn phế.
“Điều khoản trị giá và giá cả” (value and price provisions) – Trong “giao ước mua-bán,” bao giờ trị giá và giá cả của cơ sở nghiệp vụ cũng ấn định ít hơn giá trị thực sự của nghiệp vụ nếu bán được giá cao. Vì vậy cần phải cân nhắc hai khoản trị giá và giá cả viết trong “giao ước mua-bán” nhất là phải cập nhật thường xuyên theo mỗi thay đổi giá cả trên thị trường. Nên nhớ rằng, bản “giao ước mua-bán” có thể không bị ràng buộc vào những điều kiện về cách tính thuế của cơ quan thuế vụ IRS trên tài sản của tổ hợp. Nói một cách khác, tài sản có thể bị đánh thuế trên toàn diện nghiệp vụ cho dù trị giá trong bản “giao ước mua-bán”ghi nhỏ hơn nhiều.
Phần nhiều, các kế hoạch dự trù tài sản đặt giả thiết rằng chủ nhân nghiệp vụ khi qua đời đều có của cải để lại. Nhưng cũng xảy ra trường hợp có người mang nợ chồng chất chẳng còn lại gì thì sao? Trước hết, gia đình không ai bị liên lụy gì về các món nợ của người chết dù có nêu ra trong di chúc. Ngoại trừ thân nhân nào có ký phụ (cosign) vào các giấy nợ hoặc có giao kết chịu nhận những món nợ nào đó, thì mới lãnh trách nhiệm liên lụy. Trường hợp thừa kế nào được để lại một món tài sản còn dính nợ, thì người ấy có quyền “khước từ” (disclaim) không nhận do đó sẽ không có dính líu gì tới nợ nần nào cả.
Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information), giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ : 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531- 7080; website: www.lylylaw.com