Từ chàng trai nghiện game đến nghiên cứu sinh tiến sĩ

04 tháng 02 năm 2022
Bình Minh
10 năm trước, Bá Toại - chàng trai vốn mê trò chơi điện tử - sang Trung Quốc với sáu cuốn giáo trình Hán ngữ, trong đầu không có chữ tiếng Trung nào.

Đoàn Bá Toại đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Sau chuyến về Việt Nam ăn Tết đầu tháng 1/2020, anh chưa thể trở lại Trung Quốc vì dịch bệnh. Hiện anh là giảng viên cơ hữu của Đại học Thành Đông, Hải Dương. Trước khi có những bước tiến vượt bậc trong con đường học thuật, Toại là nam sinh mê game, học lực trung bình.

Nghiên cứu sinh 27 tuổi cười tươi, nhớ lại năm tháng trốn học, ở lì trong những quán game gần nhà. "5h hàng ngày, tôi đã dậy đi chơi game, nói dối bố mẹ là đi sớm trực nhật. 7h vào lớp, 7h kém 10 tôi mới chạy từ quán điện tử vào trường. Bố mẹ và các chị đều cấm, mắng nhưng ngày đó, tôi chưa nhận thức được nhiều", anh nhớ lại.

Có hôm đang chơi, Toại bị bố mẹ phát hiện, lôi từ quán về. Hôm sau, anh cùng nhóm bạn tìm chỗ kín hơn, "nướng" hết tiền ăn sáng vào game. Chơi điện tử cả ngày, tối về vừa giở sách được một lúc, anh đã díp mắt.

"Toại hay ngủ gật trên lớp, là một trong những học sinh thường bị nhắc nhở về việc chơi điện tử", cô Đoàn Thị Dung, cựu giáo viên THPT Gia Lộc, kể về cậu học trò cô chủ nhiệm 10 năm trước.

Cô giáo 60 tuổi cho hay, Toại là con trai duy nhất trong gia đình có sáu người con. Ở lớp, ngoài những môn xã hội khá hơn một chút, nam sinh học trung bình, thậm chí có môn kém.

"Học bình thường nhưng Toại có tố chất trong các hoạt động phong trào. Cậu ấy sôi nổi và nhiệt tình tham gia văn nghệ, viết kịch bản, tổ chức chương trình ở trường, lớp", cô Dung hồi tưởng.

Học xong cấp ba, Toại được gia đình cho sang Trung Quốc, với mục đích học tiếng sau này về làm ở công ty. Năm 2012, anh một mình lên đường với hành trang là bộ giáo trình Hán ngữ 6 cuốn. Sang đến Nam Ninh, anh bắt tàu tới Phúc Kiến học ngôn ngữ tại Học viện Vũ Di.

Lớp ngôn ngữ ở đây chỉ có anh và nữ sinh người Zambia, Sarah. Giáo viên và Sarah nói tiếng Anh với nhau nhưng phải Google dịch sang tiếng Việt để trò chuyện với Toại. Những buổi học không hiểu cô nói gì khiến anh thấy hụt hẫng và lạc lõng.

Không biết làm gì ngoài giờ lên lớp, anh lôi sách ra chép. Cuốn giáo trình Hán ngữ có cả tiếng Việt, Anh và Trung. Mỗi ngày, chàng trai Hải Dương chép 2-3 bài tiếng Trung, khoảng 10 trang giấy. Ròng rã suốt ba tháng, anh chép hết 6 cuốn. Anh cũng được bạn dạy tiếng Anh.

"Sách hướng dẫn viết nét nào trước, nét nào sau. Lúc đầu viết chậm cũng nản nhưng chép nhiều quen tay, tôi nhớ nét, nhớ chữ và thay đổi tư duy. Đó là cách tôi học tiếng Trung", anh kể, cho biết sau hơn hai tháng đã có thể giao tiếp cơ bản.

Anh tham gia nhiều sự kiện của trường, trong đó có Đại hội Thể thao Văn hóa Du học sinh toàn Trung Quốc lần 1 năm 2013 - cuộc thi về văn hóa, biểu diễn và thể thao giữa các trường. Sự kiện tổ chức tại Học viện Vũ Di này là bước ngoặt khiến anh thay đổi bản thân và tìm ra hướng đi cho mình.

Tại đây, Toại có cơ hội gặp gỡ nhiều du học sinh có trình độ cao về tiếng Trung. Càng tiếp xúc với họ, anh càng cảm thấy kiến thức của mình chưa đủ. "Tôi mới học vài tháng, trong khi họ sắp tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ. Nhìn họ, tôi tự hỏi liệu mình có thể phấn đấu được như vậy không?", anh nhớ lại.

Chàng trai Việt Nam sau đó được nhà trường cấp học bổng 100% học phí đại học vì nỗ lực học tập và năng nổ trong các hoạt động. Anh chọn ngành Kinh tế Quốc tế và Mậu dịch và là sinh viên nước ngoài duy nhất trong lớp. Toại mất hai tháng để hòa nhập guồng học và nửa kỳ đầu chỉ để kết bạn. Hôm nào đến lớp, anh cũng chọn ngỗ ngồi ở bàn đầu để nghe cho rõ.

Học ngành Kinh tế nên Toại phải tự tìm kiếm tài liệu để học lại từ đầu kiến thức Toán học thời phổ thông bằng tiếng Trung.

"Sinh viên Trung Quốc học môn gì, tôi học môn đó, cả những môn không bắt buộc. Tôi kết bạn với sinh viên giỏi trong lớp, học theo họ và hỏi nhiều hơn", anh kể.

Hết năm nhất, anh đạt GPA 80/100 và được miễn học phí năm tiếp theo. Anh tổ chức nhiều sự kiện, thành lập các câu lạc bộ và hội du học sinh cho trường. Chàng trai Việt Nam cũng giành top 2 tài năng du học sinh tỉnh Phúc Kiến, top 15 giải diễn thuyết toàn Trung Quốc năm 2019, đứng đầu giải diễn thuyết Phúc Kiến 2020.

Thầy Chu Tuấn Lâm, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Quốc tế Học viện Vũ Di, nhớ rõ lúc mới đến Toại không biết nói tiếng Anh lẫn tiếng Trung nhưng có năng lực học tốt.

Theo thầy Lâm, tính cách hoạt bát, hoà đồng và giỏi kết bạn đã giúp nam sinh nhanh chóng thích nghi với cuộc sống đại học, vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Trung (HSK) và đạt thành tích top đầu trong khối với các sinh viên Trung Quốc.

"Toại là sinh viên quốc tế tốt nghiệp xuất sắc ở trường tôi", thầy Lâm chia sẻ.

Năm 2017, Toại học lên thạc sĩ tại Đại học Nông Lâm Phúc Kiến và trở thành phó chủ tịch hội nghiên cứu sinh của trường. Nhờ thành tích học tập tốt, anh được chọn làm trợ giảng khoa Kinh tế.

"Đó là một trải nghiệm quý giá và thú vị. Tôi có cơ hội đứng lớp hai buổi một tuần trong suốt một kỳ, dạy môn kinh tế vi mô cho sinh viên Trung Quốc bằng tiếng Trung", anh Toại cho hay.

Ngoài ra, anh còn được bổ nhiệm làm trợ lý Viện trưởng Viện Quốc tế, Đại học Nông lâm Phúc Kiến, với nhiệm vụ tham mưu cho Viện trưởng về quản lý, tổ chức sự kiện và thu hút du học sinh cho trường.

Điều khiến thầy Hoàng Kiếm Phong, giảng viên Viện Quốc tế, nhớ nhất ở chàng sinh viên này là anh giành được nhiều giải thưởng và giấy khen.

"Tôi ấn tượng với tiếng Trung của Toại. Qua thời gian học tập tại trường và những gì bạn ấy thể hiện, tôi đánh giá Toại có tư duy tổng hợp và phân tích rất tốt", thầy Phong khen ngợi.

"Cậu ấy là cánh tay đắc lực cho tôi cũng như Viện Quốc tế", thầy Phong nói, tiết lộ học trò đã có 7 bài báo khoa học về kinh tế và một bài nghiên cứu về du học sinh tại Trung Quốc.

Vì dịch bệnh, Toại phải bảo vệ thạc sĩ qua mạng và nhập học tiến sĩ online. Sau 9 năm sống và học tập tại Trung Quốc, thành quả anh đạt được là sự trưởng thành và giúp đỡ được nhiều học sinh Việt Nam giành học bổng du học.

Cô Dung, chủ nhiệm cũ rất bất ngờ trước sự thay đổi của học sinh. Dõi theo từng bước đi của Toại, cô mừng vì học trò đã phát huy được sở trường và phấn đấu trong con đường học vấn.

"Toại là tấm gương vượt khó. Nhà đông con, gia cảnh khó khăn nhưng các chị em bảo ban nhau học hành đến nơi đến chốn. Tôi rất phấn khởi", cựu giáo viên Toán tâm sự.

Theo Toại, môi trường ảnh hưởng tới sự phát triển của một người. Khi một mình ở Trung Quốc, anh đã xác định sẽ đi xuống hoặc buộc phải phát triển tích cực. Muốn theo con đường học thuật, anh chủ động học hỏi và cố gắng thay đổi bản thân.

"Ngoài mục tiêu hoàn thành bậc tiến sĩ, tôi còn muốn giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó có học bổng du học và định hướng giúp các em để không phải vất vả như tôi trước đây", anh Toại cho hay.

Anh Toại chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Hoàng Kiếm Phong (phải) tại Vòng chung kết diễn thuyết tiếng Trung năm 2018 tại Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xem thêm bình luận
Đăng nhập để gửi bình luận
comment-avatar


Xem thêm tin từ Ana Bui



Ana Bui

12-01-2022

Mình đến từ đất nước Thái Lan. Mình đến đây rất mong muốn được học những kỹ thuật mới về áp dụng cho nền nông nghiệp quê nhà.


Chủ đề