Việt Nam và Trung Quốc cúng ông Công ông Táo có gì khác biệt
24 tháng 01 năm 2022Nguyên Chi
- Văn hóa 425
Nguồn gốc ngày lễ
Ông Công ông Táo hay lễ Táo quân là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam và Trung Quốc.
Với người Trung Quốc, lễ Táo quân có tên gọi là Jizao Jie, có lịch sử lâu đời, tuy nhiên, mỗi vùng lại có cách lý giải câu chuyện nguồn gốc khác nhau. Người Phúc Kiến, Giang Tây cho rằng Táo quân là một người phụ nữ còn người dân miền Bắc Trung Quốc lại cho rằng Táo quân là một người đàn ông có dung mạo đẹp trai, tuấn tú.
Truyền thuyết Táo quân cũng có nhiều dị bản, trong đó, phổ biến nhất là chuyện về vợ chồng Trương Lang và Quách Đinh Hương ở vùng Sơn Đông. Trương Lang không thích làm ruộng, bỏ đi buôn, việc nhà cửa, chăm sóc gia đình để lại cho vợ. Một thời gian sau, Trương Lang trở về, đuổi Đinh Hương đi để cưới vợ mới khiến cô phải đi lang thang, may mắn được gia đình nhận nuôi, có cuộc sống hạnh phúc. Nhà Trương Lang sau bị thiêu rụi, người vợ mới qua đời, anh ta bị mù phải đi ăn xin, vô tình đến nhà Đinh Hương. Nàng không chỉ cho chồng cũ cơm ăn mà còn cho thêm vàng bạc. Xấu hổ vì tội lỗi của mình, Trương Lang đâm đầu vào bếp lửa, chết cháy. Ngọc Hoàng sau đó phong Trương Lang là Táo vương, cai quản chuyện bếp núc. Một số dị bản khác viết thêm, người vợ vì thương chồng cũ nên cũng qua đời, được Ngọc Hoàng phong là Táo vương bà bà.
Còn với người Việt, Táo quân gồm ba vị thần bếp: hai ông và một bà, gồm Thổ công, Thổ địa và Thổ Kỳ (thần đất, thần nhà, thần bếp núc). Ở nước ta, sự tích Táo quân cũng có nhiều dị bản nhưng nội dung chính đều kể về một người đàn ông tên là Trọng Cao, lấy vợ tên là Thị Nhi. Hai người sống với nhau có nhiều mâu thuẫn. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau một lần bị chồng đánh, rồi tình cờ gặp Phạm Lang, bằng lòng làm vợ chàng. Sau khi Trọng Cao nguôi giận, đi tìm vợ nhưng không gặp, tiền nong cạn kiệt, chàng đi ăn xin và vô tình tìm đến nhà Thị Nhi. Nàng hối hận vì nhất thời nóng giận, bỏ nhà đi và lấy chồng mới. Khi Phạm Lang trở về, sợ chồng phát hiện mình tìm gặp chồng cũ, khó giải thích, Thị Nhi giấu Trọng Cao vào đống rơm ngoài vườn. Do không biết, Phạm Lang đốt đống rơm khiến Trọng Cao chết cháy. Thị Nhi đau lòng nhảy vào lửa, Phạm Lang lao vào cứu vợ và cũng chết theo. Ngọc Hoàng thấy ba người sống có tình có nghĩa nên sắc phong làm Táo quân, cai quản chuyện bếp núc của các gia đình
Thời gian làm lễ
Ở hai quốc gia, lễ Táo quân đều có ý nghĩa tiễn các vị thần bếp về trời, báo cáo lại mọi chuyện trong gia đình suốt năm qua, sau vài ngày, lại làm lễ đón Táo quân trở về. Tuy nhiên, thời gian có sai lệch đôi chút.
Ở Trung Quốc, lễ Táo quân thường diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp âm lịch, có thể tổ chức sớm vào ngày 23 hoặc muộn vào ngày 25. Người Hoa làm lễ đón Táo quân trở về nhà vào ngày mùng 4 Tết.
Còn ở Việt Nam, người Việt chuẩn bị lễ tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp. Nhiều gia đình có thể làm sớm từ ngày 21 tháng Chạp. Đa số các địa phương quan niệm rằng, đúng 12h hoặc trong cung giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là thời gian cuối cùng để ông Công ông Táo lên trời, do đó lễ cúng phải hoàn thành trước. Nhưng một số nơi phong tục "thoáng" hơn, chỉ cần cúng xong trước 23h (trước khi sang giờ Tý của ngày hôm sau). Người Việt sẽ đón ba vị thần bếp trở về nhà vào đêm 30 Tết
Vị trí bàn thờ
Người Trung Quốc theo truyền thống đặt bàn thờ Táo quân ở ngay gian bếp của gia đình. Trong bếp có dán tranh thần bếp.
Trong khi đó, đa số các gia đình Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo ngay trên bàn thờ gia tiên, nơi trang trọng nhất của gia đình. Một số ý kiến còn cho rằng, bếp là nơi không đủ trang nghiêm để thờ thần linh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người theo tục lệ đặt bàn thờ tại đây.
Tục cúng lễ
Người Trung Quốc quan niệm rằng, thần bếp cưỡi ngựa lên chầu trời nên ngoài đồ vàng mã, họ luôn dán thêm tranh ngựa lên trên cửa bếp, làm "phương tiện" cho Táo quân. Còn ở Việt Nam, ba vị thần cưỡi cá chép lên trời nên trong bộ vàng mã, ngoài ba bộ mũ áo cho táo ông, táo bà, luôn có hình nộm cá chép. Ngoài ra, người Việt còn có phong tục thả cá chép phóng sinh để ông Công ông Táo "lên đường bình an", thuận buồm xuôi gió
Mâm đồ cúng
Người Hoa quan niệm rằng, Táo quân lên trời tâu lại mọi chuyện hay dở, tốt xấu của gia đình trong năm qua. Nên để "lấy lòng" thần bếp, người dân luôn sửa soạn mâm đồ cúng với những món ăn ngọt và dính, hy vọng Táo quân nói nhiều lời tốt đẹp. Tùy theo điều kiện gia đình nhưng mâm đồ cúng luôn có bánh tổ (nian gao, được làm từ gạo nếp thắng đường và mật ong), kẹo mạch nha, bánh tiết lợn truyền thống. Đôi khi, họ còn bôi mật ong hoặc kẹo lên tượng Táo quân khi cúng hay bôi rượu lên cánh cửa bếp để thần bếp "nửa tỉnh nửa mơ" không bẩm báo những chuyện xấu.
Còn với người Việt, mâm cúng ông Công ông Táo không khác nhiều so với những ngày lễ khác như cơm cúng giao thừa, cơm ngày mùng 1 Tết... Lễ vật có thể là đồ chay hoặc đồ mặn, tùy vào thói quen ở mỗi gia đình. Dù vậy, các thành viên trong nhà đều cùng nhau sửa soạn thật tươm tất, chỉn chu nhất có thể để bày tỏ sự thành kính với thần linh.
Mỗi vùng miền lại có sự khác biệt. Ở miền Bắc, các món thường xuất hiện như thịt gà luộc, xôi gấc, canh, đĩa xào thập cẩm, xôi chè, nem rán, giò... Miền Nam, ngoài chè trôi nước, trái cây, mâm cúng không thể thiếu một đĩa kẹo vừng đen và đậu phong, còn gọi là "thèo lèo phân chuột". "Thèo lèo" được lý giải là đọc chệch của chữ "trà liệu" trong tiếng Trung, nghĩa là thứ để ăn khi uống trà. Người Trung Hoa rất ưa chuộng sử dụng lạc và vừng khi nấu ăn, không chỉ đơn giản là vì mùi vị mà còn do quan niệm chúng sẽ mang lại may mắn và sung túc cho năm mới.
Xem thêm tin từ Ana Bui
Ana Bui
12-01-2022
Mình đến từ đất nước Thái Lan. Mình đến đây rất mong muốn được học những kỹ thuật mới về áp dụng cho nền nông nghiệp quê nhà.
Chủ đề