Sherpa trên đỉnh Tatra, phu khuân vác cuối cùng ở châu Âu
14 tháng 01 năm 2022Kathy Trinh
Chúng trông hơi giống xe trượt tuyết ngoại trừ chúng có dây đeo vai, và một vài cái cao đến mức chúng vươn thẳng lên trần nhà.
Trên một số khung có gắn những chiếc ba lô.
Phương pháp vận chuyển
Đây là những khung thồ hàng mà phu khuân vác ở Tatras, vốn được dân địa phương gọi là horský šerpa (sherpa núi) hoặc horský nosi (phu khuân vác trên núi), dùng để cõng đồ nặng lên các lều hoặc nhà gỗ trên núi, nơi cung cấp đồ ăn uống, và trong một số trường hợp, chỗ ở qua đêm cho người đi leo núi.
Mặc dù các phu khuân vác trên núi cũng được dân địa phương gọi sherpa, nhưng họ không dính dáng gì đến bộ tộc Sherpa có nguồn gốc Tây Tạng ở dãy Himalaya và Nepal.
Các khung thồ hàng được trưng bày ở đây tại Bảo tàng Sherpa, nhưng những chiếc khung như thế này vẫn được sử dụng để cõng hàng hóa vật dụng lên xuống những con đường núi dốc này.
Dãy núi High Tatras chạy dọc theo biên giới ở bắc Slovakia và Ba Lan.
Vào mùa hè, du khách tận hưởng những khu rừng tuyệt đẹp, những hồ nước lấp lánh và thung lũng rộng lớn, chiêm ngưỡng hệ thực vật và động vật trong khi khám phá hàng trăm cây số đường mòn đi bộ giữa các căn lều.
Vào mùa đông, những rặng đá và đỉnh núi lởm chởm cao đến 2.500m khoác lên mình không khí bí ẩn, phủ đầy tuyết và băng và nổi bật rõ ràng phía trên đường cây có thể mọc.
Những sherpa cuối cùng của châu Âu leo lên những con đường gồ ghề, nguy hiểm qua những đỉnh núi này đến những túp lều ở độ cao lên tới 2.250m, mang ván trượt và giày đinh khi đi trên băng tuyết và dùng dây xích ở một số chỗ để kéo người và hàng nặng lên những sườn dốc thẳng đứng.
Quấn quanh lưng và cố định bằng dây đeo vai nặng là khung vận chuyển đặc biệt, bản thân nó nặng tới 8kg.
Trên khung này, họ buộc chặt thức ăn, thức uống, củi và bất kỳ vật liệu nào khác mà lều cần, chẳng hạn nhiên liệu, bình gas và khăn trải giường.
Khối lượng hàng tổng cộng thường nặng hơn 100kg, và sherpa làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, từ mùa hè nóng bức cho đến mùa đông lạnh lẽo và gió bão khi nhiệt độ có thể xuống -20 độ C và những ngọn núi đông cứng trong băng tuyết.
'Làm vì đam mê'
Khi tôi đến vào một ngày tháng Giêng lạnh lẽo, Nhà Thụy Sĩ nơi đặt Bảo tàng Sherpa bị tuyết bao quanh.
Một trong những sherpa lớn tuổi nhất, ông Peter Petras, 75 tuổi, đang uống trà ở quán Sherpa Caffe bên cạnh.
Ông vẫn cõng hàng nặng leo đến lều trên núi vài lần một tuần. Và ông thậm chí không phải là phu khuân vác lớn tuổi nhất; độ tuổi dao động từ 17 đến 79.
Petras nói với tôi ông làm công việc này vì tình yêu của ông dành cho núi non, chứ không phải để kiếm tiền.
"Làm phu khuân vác không phải là công việc, đó là một cách sống," ông nói. "Đối với một phu khuân vác chân chính, tiền ở vị trí thứ hai. Vị trí đầu tiên là được ở trên núi."
Mỗi lều có một người giữ lều và tối đa tám sherpa thay phiên nhau làm việc và ở trong lều.
Các công việc đa dạng từ dọn dẹp và bảo trì nhà gỗ đến nấu ăn, tổ chức nhiên liệu và sưởi ấm hoặc dọn tuyết xung quanh lều.
Đôi khi phu khuân vác giúp chỉ đường cho du khách. Có thể có tới 60 sherpa làm việc trên núi vào mùa hè; vào mùa đông, con số đó chỉ còn một nửa.
Một số họ làm việc toàn thời gian, một số khác là sinh viên hoặc có công việc làm ăn khác.
Petras lần đầu tiên có cảm hứng để trở thành sherpa khi mới 10 tuổi khi ông chứng kiến các anh trai, Jožo và Ivan, làm công việc này.
Jožo là một trong những sherpa khỏe nhất - ông từng vận chuyển một chiếc lò nặng 137 kg đến lều Zbojnička ở độ cao 1.960m trong thung lũng Veľká Studená Dolina.
Petras trở thành người khuân vác khi ông ra trường, nhưng sau đó đi nghĩa vụ quân sự rồi đi học, cuối cùng lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Bratislava.
Tuy nhiên, tình yêu của ông dành cho Tatras đã đưa ông trở lại dãy núi này và khi đó ông làm thầy giáo vào buổi sáng, làm phu khuân vác vào buổi chiều.
Đó là sự cân bằng hoàn hảo. "Khi buổi học kết thúc, tôi có thể quên đi việc giảng dạy và trông đợi được ở một mình giữa thiên nhiên. Tôi được nghỉ ngơi về mặt tinh thần; và ở trường, tôi cho cơ thể mình nghỉ ngơi," ông nói.
Khi về hưu, ông tiếp tục làm sherpa. Ông đã khôi phục và hiện đang quản lý lều Rainerova - chiếc lều lâu đời nhất trong dãy núi, vốn được xây vào năm 1863 để du khách trú ẩn trong thời tiết xấu.
Mức độ nguy hiểm
Lều Rainerova không có chỗ để nghỉ lại, nhưng những người đi bộ đường dài thường dừng lại ở công trình bằng đá nhỏ này để mua đồ ăn thức uống và xem bộ sưu tập thiết bị leo núi và trượt tuyết cũ của Petras.
Vào mùa đông, ông tạc tượng bằng tuyết.
Ông vẫn mang khối lượng nặng đến 60 hoặc 70kg lên căn lều ở độ cao 1.301 mét, năm hoặc sáu lần mỗi tuần.
Trên đường xuống, ông nhặt rác. Lều Rainerova chỉ cách cáp treo 20 phút đi bộ vì vậy cung đường không phải là dài để vận chuyển, nhưng ông đi theo một con đường khác mất hai tiếng. "Vào mùa đông, có thể mất tám tiếng đồng hồ vì thời tiết xấu," ông nói.
Khi ngành du lịch bắt đầu ở Tatras vào giữa thế kỷ 19, mọi người đã thuê phu khuân vác để vận chuyển thức ăn, thức uống cho nhóm thám hiểm.
Sau đó, khi các tuyến đường mòn được mở và các nơi trú qua đêm được xây dựng, phu khuân vác vận chuyển vật liệu xây dựng cho các công trình và sau đó đồ ăn thức uống và nhiên liệu cho khách.
Ở những nơi khác của châu u, chẳng hạn như ở dãy Alps, cũng tương tự. Nhưng khi cáp treo rồi đường được làm ở đó, phu khuân vác không còn cần thiết nữa và công việc này biến mất.
Ở Tatras, kiểu xây dựng như thế được giữ ở mức tối thiểu vì đó là khu bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển, vì vậy phu khuân vác vẫn phải vận chuyển hàng hóa lên chỗ các căn lều.
Petras nói rằng các sherpa sẽ luôn leo núi với hàng tiếp tế, ngay cả khi thời tiết xấu. Các sherpa biết rằng các trạm dừng chân phụ thuộc vào họ, vì vậy dù sao đi nữa họ cũng phải làm công việc vận chuyển.
"Đó là công việc rất nguy hiểm," ông nói thêm. Hai mươi năm trước, một sherpa đã bỏ mạng trong một trận tuyết lở.
"Hai phu khuân vác thiệt mạng do thời tiết; một người bị chết cóng. Công việc có vẻ lãng mạn vì chúng tôi thích nó, nhưng nó có thể rất nguy hiểm. Anh phải trải qua nhiều thứ - đơn độc, lạnh lẽo, sợ hãi. Giông bão có thể xảy ra. Anh có thể chết cóng."
Đòi hỏi cao
Trong cuốn sách của mình có tựa là 'Na Chodníku Chodník' (Con đường trên Con đường), Petras viết về các kỹ năng cần thiết: người khuân vác cần "năng lực thể chất tốt, chủ yếu tập trung vào khả năng chịu đựng, ý chí, sự kiên cường, cân bằng, kinh nghiệm đi trên núi, khả năng đánh giá một cách thực tế các điểm mạnh và năng lực bản thân, sự tận tụy, khiêm tốn và lòng tin".
Števo 'Pišta' Bačkor, người cùng với vợ là Martina đã sáng lập Bảo tàng và Quán Cà phê Sherpa, là một sherpa chuyên nghiệp trong hơn 20 năm và vẫn làm việc vài lần mỗi tháng để giữ kết nối với cộng đồng khuân vác leo núi.
"Tôi nhớ nó," ông nói. "Gần như tất cả các hoạt động trong cuộc đời tôi đều dính chặt vào cộng đồng này, vào những căn lều trên núi." Bačkor và Martina gặp nhau trên núi khi bà Martina đang làm việc ở một căn lều.
Bačkor nói rằng khởi hành đến lều trên núi đem đến cảm giác tự do - nhưng cũng là sự pha trộn các cảm xúc.
Bạn thích công việc đó nhưng có một chút lo lắng về thời tiết. Bạn bắt đầu khi có nắng và một giờ sau, bạn sẽ bị dính bão với tốc độ gió 150km/h kèm tuyết lớn.
Ngay cả trong điều kiện thời tiết mà du khách phải quay lại, các sherpa vẫn phải đi tới.
Petras nhớ lại trải nghiệm tồi tệ nhất của ông vào một mùa đông khi ông bị ướt trên núi và tuyết bắt đầu rơi.
Khi ông đến được lều, cơ thể ông cóng lại. Đó không phải vấn đề nhiệt độ, mà là thời tiết thay đổi nhanh chóng, ông nói.
Khi ông đến được nhà gỗ, ông chạy vào bếp và đặt trà nóng lên đầu và tay để rã đông. "Một số điều có thể mô tả và nhiều cảm xúc không thể kể được," ông nói.
Theo Petras, sherpa mạnh nhất vẫn đang làm việc là ông Viktor Beranek, 69 tuổi, người mang đồ đến căn lều cao nhất ở dãy núi Tatra, Chata pod Rysmi (Rysy) ở độ cao 2.250m.
Bačkor cho biết người lớn tuổi nhất, Laco Chudík (79 tuổi), vẫn mang vác một hoặc hai lần một tuần - không phải làm vì tiền mà là vì đam mê.
"Ông ấy là cỗ máy, ông ấy không ngừng nghỉ," Bačkor nói thêm rằng ông chỉ biết có một sherpa nữ; bà qua đời ở tuổi 92 vào năm 2017.
Cảm giác giải thoát
Nhiều người khuân vác nói điều quan trọng nhất đối với họ là cảm giác giải thoát, và điều này đặc biệt đúng dưới thời cộng sản khi cuộc sống bị hạn chế ở nơi khác.
"Mỗi căn lều trên núi giống như một hòn đảo tự do," Bačkor nói. "Dưới chế độ Cộng sản, làm sherpa giống như sống trong tự do. Sau ngày cuối tuần, mọi người xuống núi và làm việc ở công xưởng hoặc văn phòng, để rồi trông ngóng đến cuối tuần nữa để có hai ba ngày tự do."
Petras yêu mến dãy Tatras bởi vì nó không đông.
Bởi vì nó là công viên quốc gia và khu dự trữ sinh quyển UNESCO, các phương tiện như xe đi trên tuyết và xe gắn máy bốn bánh bị cấm (ngoại trừ nhân viên cứu hộ).
Các động vật hoang dã đang được bảo vệ ở khu bảo tồn bao gồm gấu nâu, linh miêu, sói, cáo, sóc đất, chuột tuyết và sơn dương Tatra trong diện khẩn nguy. Petras háo hức trước việc công việc độc đáo của sherpa cũng được bảo vệ.
Petras nói rằng lối sống là điều giữ cho ông có sức sống: "Khi mọi người hỏi, 'nhưng sức khỏe ông thì sao?' Tôi trả lời, 'Tôi không biết vì tôi đã không đến bác sĩ trong 20 năm qua!'," ông nói.
Petras thường tự mình lên đỉnh núi để thư giãn. Ông nói với tôi rằng điều ông yêu thích nhất về Tatras là những chuyến lội bộ vào ban đêm. "Đó là cách thư giãn tốt nhất cho tâm hồn," ông nói.
Xem thêm tin từ Kathy Trinh
Kathy Trinh
12-01-2022
Tôi đến từ Nhật Bản, năm nay 42 tuổi và chưa lập gia đình. Tôi giúp khôi phục và bảo tồn nghệ thuật.
Chủ đề