Xuất khẩu sang Anh và bài học cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam
14 tháng 01 năm 2022N/A
BBC Vietnamese
- Kinh tế 379
Từ 2018, các báo chuyên ngành ở VN đã nói đến "rủi ro" của việc xuất khẩu hành "tiểu ngạch", thiếu tính chuyên nghiệp, chính quy (theo Tạp chí Tài chính-2018).
Cùng lúc, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do mậu dịch với các quốc gia trên thế giới, cả ở châu Á, ở châu Âu - như với EU và Anh Quốc nhưng từ ký kết đến hiện thực là một khoảng cách còn xa.
Ví dụ, thị phần của hàng Việt Nam tại thị trường Anh hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Vương quốc Anh, quốc gia chỉ trong 9 tháng đầu 2021 đã nhập 448 tỷ bảng, theo thông tin từ hội thảo 'Triển vọng thương mại VN - Vương quốc Anh' tháng 12/2021.
Bài học làm hàng xuất khẩu sao cho bền vững, có hiệu quả tốt với các nền kinh tế yêu cầu chất lượng cao như Anh, EU có thể giúp thay đổi tư duy của các doanh nghiệp Việt Nam bỏ dần việc xuất hàng "tiểu ngạch" sang Trung Quốc và các nước láng giềng mà hiện ngày càng tỏ ra bất cập.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn doanh nhân Thái Trần từ London về vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Đầu tiên, ông Thái Trần cho biết về tình hình doanh nghiệp của mình trong thời gian đại dịch Covid.
Thái Trần: Công ty xuất nhập khẩu của chúng tôi làm việc giữa Việt Nam và Anh từ 2017 đến nay và tập trung vào các nhóm hàng có thế mạnh của hai nước. Với Việt Nam đó là các sản phẩm nông sản, đồ nội thất, đồ thủ công, vật liệu xây dựng, da giày, và dệt may. Với Anh Quốc, đó là các sản phẩm hàng tiêu dùng, đồ gia dụng tinh xảo, và sản phẩm hoá sinh đòi hỏi trình độ khoa học cao.
Ngoài ra, tôi còn một công ty thành lập năm 2021 là Unilo Global làm việc nhiều với các hãng bay và hãng tàu Việt Nam. Mặc dù dịch Covid diễn ra khá phức tạp trong năm 2020 và 2021, tình hình kinh doanh của hai công ty tôi vẫn khả quan và có nhiều bước tiến. Một phần, chúng tôi may mắn ở trong ngành nghề không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách hạn chế đi lại của chính phủ các nước. Khách hàng truyền thống của công ty vẫn có nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm dịch vụ của chúng tôi và chúng tôi vẫn đáp ứng được nhu cầu đó. Tất nhiên chúng tôi phải thích ứng với tình hình mới như ứng dụng công nghệ trong quản lý, giao tiếp nội bộ, cho phép nhân viên làm việc từ xa, phát triển quan hệ với các đối tác mới để tận dụng nguồn lực kho bãi và giải pháp của họ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không gặp trở ngại nào. Dịch Covid khiến các hãng bay và hãng tàu cắt giảm số chuyến trong khi nhu cầu vận tải hàng hoá vẫn rất nhiều. Điều này khiến cung thấp hơn cầu và giá vận tải bị đẩy lên cao dẫn đến giá bán cũng phải tăng.
Phải rất vất vả chúng tôi mới có thể thuyết phục một số đối tác chấp nhận mức giá mới. Việc tiếp cận khách hàng và đối tác cũng khó khăn hơn, nhất là khách hàng/đối tác Việt Nam vì họ quen "mục sở thị" - tức là phải gặp mặt, ngồi họp (hoặc thậm chí ngồi trên bàn tiệc), trao đổi trực tiếp, đến tận nơi thăm cơ sở thì mới tin tưởng để bàn thảo chi tiết kế hoạch kinh doanh. Các hạn chế đi lại của chính phủ Việt Nam trong hai năm qua đã khiến chúng tôi không thể về Việt Nam hoặc mời đối tác qua "mục sở thị".
BBC:Bài học lớn nhất ông rút ra trong năm qua khi nhập hàng từ Việt Nam sang Anh Quốc là gì?
Bài học lớn nhất có lẽ là việc tuân thủ pháp luật khi muốn nhập hàng từ Việt Nam sang Anh Quốc. Từ xưa đến nay, người Anh tự hào và cũng nổi tiếng ở tinh thần thượng tôn pháp luật và các quy định công (law and order) nên để nhập khẩu được hàng vào Anh, ngoài chất lượng, giá bán, điều khoản thanh toán, bảo hành… thì tất cả các bên và các bước đều phải tuân thủ pháp luật. Sẽ không có chuyện lót tay hay bẻ cong vấn đề dựa trên quan hệ hay tình cảm khi làm việc với công chức, đối tác người Anh.
Đơn cử như một số lô hàng hoa quả như vải thiều, nhãn, thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh công ty TT Meridian chúng tôi nhập vào Anh trong năm 2021, chúng tôi luôn phải đảm bảo các lô hàng được kiểm dịch đầy đủ, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Quản lý Động Thực Vật Anh Quốc (Animal and Plant Health Agency - APHA). Không phải lô nào của công ty chúng tôi trong năm qua cũng bị kiểm tra khi hàng đến sân bay hoặc cảng biển (có thể đại dịch Covid dẫn tới việc thiếu nhân lực).
Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng nếu chỉ có một lô hàng không đạt chỉ tiêu, toàn bộ các lô khác của công ty tôi hoặc có xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, cảnh cáo, thậm chí bị cấm nhập trong một khoảng thời gian nếu còn tái phạm. Vì vậy, chúng tôi và đối tác luôn làm việc với tinh thần bất kỳ lô nào cũng có thể bị kiểm tra và tốt nhất là lô nào cũng phải cẩn thận, tuân thủ quy định.
Về các thủ tục nhập khẩu khác như mở tờ khai, đóng thuế, kiểm tra hàng hoá trước khi chủ hàng được lấy hàng, vấn đề tuân thủ pháp luật cũng được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều làm việc trên hệ thống của chính phủ xây dựng hoặc nếu có phát sinh thì có thể trao đổi thêm qua email.
Ở Anh Quốc không có chuyện công ty nhập khẩu đi lên tận sân bay gặp người nọ người kia để trao đổi. Tất cả đều làm việc từ xa, dùng các công cụ để có thể lưu giữ được thông tin văn bản (chứ không nói miệng trực tiếp hay qua điện thoại). Cách làm này vừa đảm bảo tính tuân thủ pháp luật vì đã có bằng chứng bằng văn bản trao đổi qua email hay trên hệ thống, vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian cho tất cả các bên liên quan qua đó tăng năng suất lao động và hiệu quả cho cả cơ quan công quyền và các doanh nghiệp.
BBC: Tính thượng tôn pháp luật trong kinh doanh ở Anh cụ thể là gì?
Thái Trần: Có thể tôi nói thế thì mọi người sẽ nghĩ rằng người Anh như vậy thì thật cứng nhắc, cứ phải đòi hỏi đúng 100% theo quy định. Thực ra, đó có thể là ấn tượng ban đầu nhưng theo kinh nghiệm riêng làm việc qua khá nhiều lần nhập khẩu, tôi thấy cơ quan công quyền của Anh vẫn có sự linh hoạt, đặc biệt là cán bộ xử lý trực tiếp hồ sơ và các cấp quản lý của họ.
Có những điểm không được phép làm sai nhưng nếu doanh nghiệp có nhầm lẫn hoặc sai sót ở một điểm nhỏ nào họ vẫn cho phép doanh nghiệp sửa lỗi và sau đó phê duyệt. Thậm chí nhân viên Anh còn hướng dẫn cần phải làm như thế nào cho đúng, qua đó giúp chúng tôi sửa lỗi rất nhanh để nhanh chóng lấy hàng. Tôi có thể lấy luôn một so sánh gần đây nhất khi công ty của chúng tôi có thuê trọn gói một chuyến may bay chở hàng từ Việt Nam qua và từ Anh Quốc về. Lô hàng của chúng tôi có một vài kiện hàng không đủ điều kiện bay do lúc soi chiếu cơ quan chức năng không xác thực được.
Đó là ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Giáng Sinh của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và chúng tôi xác định khả năng cao là lô hàng sẽ bị cắt lại hoàn toàn. Nhưng kho hàng sân bay và hải quan vẫn chủ động linh hoạt duyệt cho phần còn lại của lô hàng được bay và chỉ cắt lại những kiện không xác định được có đủ điều kiện bay hay không. Thậm chí họ còn hướng dẫn chúng tôi sửa đổi vận đơn, chứng từ như thế nào để toàn bộ thông tin tờ khai và thực tế được khớp với nhau.
Khi kể lại câu chuyện này với các đồng nghiệp ở Việt Nam, họ rất ngạc nhiên và công nhận rằng hải quan Anh và kho hàng sân bay thực sự phải rất thiện chí và hỗ trợ thì lô hàng của chúng tôi mới may mắn được bay như vậy.
Vận chuyển hàng (air cargo) tại sân bay East Midlands Airport của Anh - hình minh họa. Anh Quốc nhập vào số hàng hóa trị giá 448 tỷ bảng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, và là thị trường tiềm năng lớn cho các nước châu Á
Xem thêm tin từ Louis Nguyen
Louis Nguyen
12-01-2022
Mình đến từ Mỹ, năm nay mình 50 tuổi. Mình sống và làm việc ở Việt Nam đã 2 năm rồi. Trước đây mình học ở trường Đại Học Mỹ chuyên ngành kinh tế.
Chủ đề