Năm 2021 ghi nhận nhiệt độ đại dương nóng nhất lịch sử
14 tháng 01 năm 2022Đoàn Dương
vnexpress.net
- Khoa học 401
Bất chấp sự kiện La Niña - hiện tượng khí hậu làm lạnh vùng nước ở Thái Bình Dương - đang diễn ra, nhiệt độ trung bình của nước biển toàn cầu (tính từ bề mặt đến độ sâu 2.000 m) vẫn gia tăng và xác lập một kỷ lục mới trong năm 2021, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp các nhà khoa học ghi nhận đại dương thế giới nóng hơn năm cũ.
"Nhiệt độ đại dương đang không ngừng tăng lên trên toàn cầu và điều này là một hệ quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra", nhà khoa học khí hậu Kevin Trenberth từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Colorado, tác giả chính của nghiên cứu, hôm 11/1 cho biết trong bài đăng trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.
Nước biển ấm lên làm tăng cường độ của các cơn bão, cuồng phong và mưa, khiến lũ lụt ngày càng trầm trọng hơn. Nhiệt độ đại dương tăng còn "ăn mòn" các tảng băng rộng lớn ở Greenland và Nam Cực, thúc đẩy mức nước biển dâng cao.
San hô ở phía nam Thái Bình Dương bị tẩy trắng do nước biển ấm lên.
Các đại dương hấp thụ khoảng một phần ba lượng carbon dioxide thải ra từ hoạt động của con người, khiến chúng bị axit hóa. Điều này làm suy giảm các rạn san hô, nơi sinh sống của 1/4 sinh vật biển trên thế giới và là nguồn cung cấp thức ăn cho hơn 500 triệu người.
Khi thế giới ấm lên do đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các hoạt động khác, các đại dương đã phải gánh chịu thêm sức nóng. Hơn 90% nhiệt lượng tạo ra trong 50 năm qua đã được hấp thụ bởi các đại dương.
"Lượng nhiệt bị các đại dương hấp thụ là rất lớn. Năm ngoái, phần nước từ bề mặt đến độ sâu 2.000 m của đại dương, nơi phần lớn sự nóng lên xảy ra, đã hấp thụ thêm 14 zettajoule (một đơn vị đo năng lượng bằng một tỷ joule) so với năm 2020", báo cáo cho biết.
Theo nghiên cứu, hiện tượng nóng lên diễn ra mạnh nhất ở Đại Tây Dương và Nam Đại Dương. Bắc Thái Bình Dương cũng có sự gia tăng nhiệt đáng kể từ năm 1990, trong khi Địa Trung Hải ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2021.
"Nếu chúng ta chưa đạt mức phát thải ròng bằng không, sự tăng nhiệt đó sẽ còn tiếp tục. Nhận thức và hiểu biết tốt hơn về đại dương là cơ sở để thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu", đồng tác giả của nghiên cứu Michael Mann tại Đại học Penn State của Mỹ nhấn mạnh.
Xem thêm tin từ Kathy Trinh
Kathy Trinh
12-01-2022
Tôi đến từ Nhật Bản, năm nay 42 tuổi và chưa lập gia đình. Tôi giúp khôi phục và bảo tồn nghệ thuật.
Chủ đề